Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập: Bài 1: Các đơn vị khác nhau nhưng lại cùng chung một cơ chế

TS. LÊ ĐÌNH THĂNG Kiểm toán nhà nước | 24/11/2022 11:07

(BKTO) - Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình đổi mới vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập về cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý tài chính. Trong đó, bất cập nổi cộm là các đơn vị ở những lĩnh vực, địa bàn khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau nhưng lại cùng chung một cơ chế.

14-1.jpg
Quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những bất cập. Ảnh sưu tầm

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập đã bước đầu giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả; huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực xây dựng, hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự. Nhiều đơn vị đã đảm bảo tổ chức tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động gắn với trách nhiệm và hiệu quả công tác của người lao động; chủ động quyết định các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Mô hình tổ chức chưa thống nhất, cơ sở pháp lý thiếu đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những bất cập. Cụ thể, mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước thiếu quy hoạch tổng thể. Các đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, cơ chế quản lý không thống nhất, tạo sự bất bình đẳng trong cùng loại hình cung cấp dịch vụ công, phân tán và chồng chéo về nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, các đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, ngành và các địa phương cũng cung cấp dịch vụ công thuộc sự nghiệp đào tạo hoặc một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cung cấp dịch vụ y tế…

Về cơ sở pháp lý, chủ trương, đường lối đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được ban hành nhưng chưa được cụ thể hóa. Hệ thống pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ cũng như chưa phù hợp với quá trình vận hành, triển khai chưa hiệu quả.

Đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Luật Viên chức. Tuy nhiên, Luật này chỉ mới tiếp cận là đơn vị tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Hay theo quy định tại Luật NSNN, đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mà chưa được luật hóa dưới hình thức là chủ thể cung cấp dịch vụ công. Các nghị định về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đặt hàng dịch vụ công và nghị định chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu văn bản hướng dẫn, chưa kịp thời và đầy đủ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn tới nhiều nội dung của nghị định thiếu tính hiệu lực, không được áp dụng hiệu quả.

Mới đây nhất, ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lại chưa có cơ sở để đánh giá.

Cơ chế quản lý tài chính còn nhiều bất cập

Đáng lưu ý, các đơn vị sự nghiệp công ở các lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau nhưng lại cùng chung một cơ chế giống nhau sẽ tạo ra những bất cập, nhất là lĩnh vực y tế. Điều này khiến cơ quan quản lý rất khó xử lý và càng tạo ra sự bất bình đẳng khi có những yếu tố bất ngờ như dịch bệnh. Việc xác định mức độ tự chủ chưa phù hợp. Hầu hết các đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính nhưng hằng năm vẫn cấp tăng kinh phí chi thường xuyên trong khi đơn vị có nguồn thu tại đơn vị lớn, tồn dư nhiều năm không có nhu cầu sử dụng. Tại nhiều Bộ, ngành, mức độ tự chủ của các đơn vị đều cao hơn so với mức độ tự chủ tính theo dự toán giao, một số đơn vị mức độ tự chủ thực tế cao hơn nhiều so với dự toán.

Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và biên chế được duyệt, chưa gắn với chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố đầu ra khác. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vẫn thực hiện cấp phát theo dự toán, chưa chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công; thiếu tiêu chí đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công…

Việc giao tài sản cho đơn vị quản lý còn bất cập, hạn chế; sử dụng tài sản chưa hiệu quả, đặc biệt là tài sản nhà, đất, cho thuê tài sản… Chính sách tiền lương tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hợp lý, nhiều đơn vị chưa xây dựng được đơn giá tiền lương, chưa thu hút, khuyến khích, động viên viên chức, người lao động. Hạn chế này đã tạo ra xu thế chuyển dịch lao động chất lượng cao từ khu vực công sang khu vực tư và có thể dẫn đến thiếu hụt cán bộ, giảm chất lượng dịch vụ công. Các quy định pháp lý về liên doanh, liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đầy đủ. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chậm được ban hành và không đầy đủ. Giá dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích theo quy định của Luật giá năm 2012 cũng chưa được ban hành đầy đủ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng và ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN còn bất cập. Việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Nhiều đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu đến năm 2021 “Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp” được đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, đơn vị tự chủ theo cấp độ 4 (đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) nhưng lại không được tự chủ về giá dịch vụ, nhất là giá dịch vụ y tế. Điều này chẳng những không đảm bảo tự chủ mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân. Bất cập này thể hiện rõ trong lĩnh vực y tế vào những năm gần đây và cơ quan quản lý cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định pháp luật liên quan./.

Mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được phân thành 4 nhóm (Điều 9, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP): Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Cùng chuyên mục
  • Rà soát, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 7705/VPCP-PL về việc rà soát, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
  • Tháo gỡ vướng mắc về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60) có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 từng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định đã phát sinh một số bất cập.
  • “Xây” lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã khiến thị trường này rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Theo đó, việc “xây” lại niềm tin cho thị trường được coi là vấn đề quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
  • Sửa biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi: Đảm bảo thực thi cam kết quốc tế và lợi ích cho doanh nghiệp
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (Biểu thuế). Việc xây dựng Biểu thuế mới nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan, các cơ quan liên quan và người nộp thuế.
  • Đã đến lúc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng!
    2 năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Sau 12 năm thực thi, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Thậm chí, một số quy định chưa theo kịp thực tiễn hoạt động ngân hàng với nhiều vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, đã đến lúc, Luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập: Bài 1: Các đơn vị khác nhau nhưng lại cùng chung một cơ chế