Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động kiểm toán bằng giải pháp đột phá, sáng tạo

(BKTO) - Báo cáo công tác năm 2019 của KTNN vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nêu rõ: Với nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Ngành, KTNN đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2019; chất lượng kiểm toán tiếp tục được nâng lên với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.




Năm 2019, chất lượng kiểm toán tiếp tục được nâng lên với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng. Ảnh: Minh Thái

Tăng cường tính minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Năm 2019, lãnh đạo KTNN đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên...

Nhờ đó, công tác tổ chức hoạt động kiểm toán năm 2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực, sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kế hoạch kiểm toán (KHKT) được xây dựng chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. Đặc biệt, KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán. Nhiều giải pháp mới, có tính đột phá được triển khai đồng bộ, như: hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; đẩy mạnh việc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; xác định và công khai chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán ngay từ đầu năm.

Các giải pháp trên đã tạo đột phá trong việc tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với đối tượng được thanh tra, kiểm toán.

Với những giải pháp trên, đến ngày 30/9/2019, KTNN đã triển khai 214 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 147 đoàn kiểm toán, phát hành 122 báo cáo kiểm toán. Đến ngày 31/10/2019, toàn Ngành sẽ hoàn thành tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2019.

Nhiều phát hiện kiểm toánnổi bật

Theo Báo cáo, tổng hợp kết quả xử lý tài chính qua kiểm toán đến ngày 30/9/2019 là 61.732 tỷ đồng, trong đó, số kiến nghị tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng, xử lý khác 42.693 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 36 văn bản (4 thông tư, 4 nghị quyết, 10 quyết định và 18 văn bản khác), nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Đặc biệt, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nổi bật là một số cuộc kiểm toán chuyên đề đã phát hiện nhiều sai sót, bất cập cần phải hoàn thiện và khắc phục như: kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Y tế.

Đáng chú ý, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 2.534 tỷ đồng, đồng thời đánh giá mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Chương trình khó có thể đạt được.

Kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, KTNN chỉ rõ, tỷ lệ số hồ sơ xử lý theo Nghị quyết 42 của một số tổ chức tín dụng còn thấp; các biện pháp xử lý chủ yếu mới chỉ thực hiện được theo hình thức thu giữ tài sản đảm bảo và bán nợ theo giá thị trường, các hình thức khác chưa được áp dụng.

Thực hiện kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN giai đoạn 2011-2017, KTNN chỉ rõ, nguồn hình thành của Quỹ khá lớn; đến ngày 31/12/2017 sau khi được bàn giao cho Bộ Tài chính, số dư Quỹ được ghi nhận là 112.513 tỷ đồng; số liệu còn phải thu, phải nộp chưa được nộp về Quỹ là 3.536 tỷ đồng; số tiền ứng NSNN để đầu tư vào 5 bệnh viện trọng điểm từ Quỹ chưa được theo dõi số phải thu 9.329 tỷ đồng.

Đồng thời, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng, xem xét xử lý hơn 7,59 triệu m2 và 3 thửa đất tại các địa phương; kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân.

Kết quả kiểm toán ngân sách địa phương cũng phát hiện nhiều bất cập trong công tác giao dự toán, phân bổ kinh phí, quản lý và thực hiện thu ngân sách không chặt chẽ, bỏ sót nguồn thu, tình trạng trốn thuế, nợ thuế, thất thu ngân sách còn lớn; một số địa phương còn nhiều sai sót trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đặc biệt, qua đối chiếu thuế tại 1.428 DN ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 585 tỷ đồng, giảm lỗ 1.071 tỷ đồng, nợ đọng thuế tăng thêm 1.297,7 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm toán, KTNN cũng đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, KTNN đã cung cấp 41 bộ hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra T.Ư, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Công tác đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán được triển khai quyết liệt. Tổng hợp đến thời điểm 30/9/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 56.010 tỷ đồng, đạt 60,6% (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018).

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động kiểm toán bằng giải pháp đột phá, sáng tạo