Đổi mới phương thức vận động, góp phần phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống

(BKTO) - Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do Phó Trưởng Ban Triệu Tài Vinh làm Trưởng đoàn làm việc với huyện ủy Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) về nội dung “Đổi mới phương thức vận động nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”.

117296_hoi_nghi_00_00_03_14_still003_16591623.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguồn danvan.vn

Huyện Nguyên Bình hiện có 2 chùa do Hội Người cao tuổi quản lý; 2 đền và 1 miếu do chính quyền địa phương quản lý, 1 điểm tín ngưỡng do chính quyền địa phương quản lý.

Các đền, chùa, miếu chủ yếu gắn với lễ hội xuân, cầu mùa màng bội thu, cầu tài lộc, cầu bình an dịp đầu năm.

Từ năm 2000 đến nay, địa bàn huyện có 9/17 xã, thị trấn có bộ phận người dân tin và theo đạo Tin lành và Công giáo. Nhân dân các dân tộc, các điểm nhóm Tin lành, giáo điểm Công giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Các địa điểm, nội dung sinh hoạt cơ bản đúng theo chương trình đã đăng ký với chính quyền địa phương.

Huyện chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc, thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện và 17 phân hội, chi hội bảo tồn dân ca tại các xã, thị trấn, 43 đội văn nghệ quần chúng, 3 câu lạc bộ hát Then, đàn tính, hát dân ca. Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, xóa bỏ tập quán, hủ tục lạc hậu góp phần tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, các nghệ nhân chia sẻ về phong tục, tập quán tín ngưỡng của đồng bào Mông, Dao, Tày.

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh nhấn mạnh, báo cáo, khảo sát và các ý kiến trao đổi đã chỉ rõ, các nghệ nhân dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và điều chỉnh hành vi xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương mong muốn thời gian tới, huyện Nguyên Bình sẽ định hướng và khai thác tốt hơn nữa vai trò của các nghệ nhân dân tộc thiểu số; cụ thể như lắng nghe nguyện vọng của các nghệ nhân; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân được thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, cùng nhau nỗ lực thực hiện đổi mới phương thức vận động nhân dân, góp phần lưu truyền, bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trong giai đoạn hiện nay./.

Cùng chuyên mục
Đổi mới phương thức vận động, góp phần phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống