Đổi mới tổ chức kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ

(BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán thời gian qua cho thấy, đổi mới phương pháp kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (TNKS) theo hướng tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là điều kiện quan trọng giúp các kiểm toán viên (KTV) thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán phù hợp, từ đó xác định mức độ sai phạm, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng đối với các đơn vị khai thác TNKS.




Việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ giúp KTNN xác định đúng khối lượng TNKS đã khai thác. Ảnh tư liệu

Bước tiến mới trong kiểm toánlĩnh vực tài nguyênkhoáng sản

Trong những năm qua, KTNN đã tổ chức kiểm toán lĩnh vực TNKS theo 2 mô hình chủ yếu là: kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, ngân sách địa phương và kiểm toán chuyên đề mang tính chuyên sâu. Qua đó, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập trong công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Đặc biệt, những kiến nghị của KTNN đã thúc đẩy việc minh bạch, công khai công tác quản lý TNKS và quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động này; cung cấp thông tin có giá trị làm cơ sở cho Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh xem xét, lựa chọn, điều chỉnh, thực thi chính sách quản lý và các khoản thu NSNN; cảnh báo, răn đe và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn TNKS; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác TNKS.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hầu hết các đoàn kiểm toán đều áp dụng các phương pháp kiểm toán cơ bản. Đáng lưu ý, bên cạnh phương pháp này, bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực TNKS là KTNN đã thí điểm sử dụng phương pháp thuê chuyên gia, công nghệ viễn thám. Đây là phương pháp đặc thù giúp xác định chính xác thể tích TNKS đã khai thác. Nhờ đó, các phát hiện cũng như kiến nghị kiểm toán có tầm ảnh hưởng lớn và thuyết phục, góp phần nâng cao vị thế của KTNN. Thành công này đã được minh chứng qua hoạt động cũng như kết quả đạt được từ cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản năm 2016 của TP. Hải Phòng do KTNN khu vực VI thực hiện vào năm 2017.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm toán lĩnh vực TNKS cho thấy, số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề riêng vẫn còn khiêm tốn. Kết quả kiểm toán mới tập trung chủ yếu ở khía cạnh tuân thủ pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ về tài chính. Các đoàn kiểm toán vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc áp dụng các phương pháp kiểm toán đặc thù cũng như công nghệ hiện đại vào hoạt động kiểm toán. Việc xác định sản lượng khoáng sản đã khai thác mới chủ yếu dựa trên tài liệu do DN cung cấp… Bởi vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với KTNN là đổi mới phương pháp kiểm toán để thu thập đầy đủ bằng chứng phù hợp, từ đó xác định mức độ sai phạm, kiến nghị thực hiện nghĩa vụ tài chính, bảo vệ môi trường một cách thuyết phục đối với các đơn vị khai thác TNKS.

Sử dụng chuyên gia, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại

Để đổi mới việc tổ chức kiểm toán công tác quản lý, khai thác TNKS, trước hết, KTNN cần mở rộng phạm vi kiểm toán, gia tăng số lượng các cuộc kiểm toán; chú trọng đến những vấn đề “nóng” của ngành khai khoáng. Mặt khác, thực tế cho thấy, ngành khai khoáng đang phát triển nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước. Điều đó đòi hỏi KTNN phải tổ chức phương thức kiểm toán thích hợp để đánh giá, kiến nghị ngành khai khoáng khắc phục yếu kém và thực hiện các giải pháp phát triển bền vững.

         
“Công việc đổi mới đầu tiên và có ý nghĩa quyết định sự thành công của việc kiểm toán lĩnh vực TNKS là khâu lập kế hoạch: từ lập KHKT trung hạn, KHKT năm đến KHKT tổng quát của cuộc kiểm toán. Trong đó, cần hoạch định rõ các giai đoạn kiểm toán, các vấn đề cần kiểm toán theo thứ tự ưu tiên, kế hoạch tổ chức đoàn kiểm toán, cách thức và phương pháp tiến hành...” - ThS. Dương Quang Chính và ThS. Vũ Kim Tuyến.
Việc thực hiện các yêu cầu trên đòi hỏi hoạt động kiểm toán lĩnh vực TNKS phải có sự điều hành chặt chẽ, khoa học, sâu sát của các cấp lãnh đạo KTNN để phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị, các đoàn kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần đội ngũ KTV có kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực TNKS.

Trước khi lập kế hoạch kiểm toán (KHKT), KTV cần khảo sát kỹ loại khoáng sản dự kiến kiểm toán, công nghệ thăm dò, khai thác đang được các đơn vị sử dụng để kiểm tra hiện trường, lựa chọn kiểm toán; phải xuống cơ sở nhiều hơn để xác định chính xác các điểm mỏ có khả năng sai phạm. Việc lựa chọn, thuê đơn vị đo đạc phải độc lập, khách quan; kinh phí thuê chuyên gia cũng cần được xem xét để đảm bảo hiệu quả của cuộc kiểm toán. Sau khi có KHKT, đoàn kiểm toán cần tập huấn, lưu ý vấn đề an toàn cho KTV trong quá trình tác nghiệp, giám sát quá trình đo đạc để có kết quả kiểm toán tốt nhất…

Đặc biệt, trong kiểm toán công tác quản lý, khai thác TNKS, việc tăng cường áp dụng công nghệ, sử dụng phương pháp chuyên gia đo đạc hiện trường sẽ giúp KTNN xác định đúng khối lượng TNKS đã khai thác và nghĩa vụ với NSNN. Trên cơ sở đó, KTNN cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau cho 3 giai đoạn sắp tới:

Đối với giai đoạn 2021-2023, KHKT công tác quản lý và khai thác TNKS cần được lập thành chương trình trong KHKT trung hạn (KHKT 3 năm) để có lộ trình kiểm toàn toàn diện các nội dung kiểm toán theo chuỗi giá trị khai thác khoáng sản. Tăng cường thuê chuyên gia và các dịch vụ hỗ trợ đo đạc, xác định trữ lượng khoáng sản làm căn cứ xác định thuế và các khoản phải nộp NSNN của DN khai thác khoáng sản. Đồng thời, cử KTV ra nước ngoài học tập kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán khai khoáng…

Giai đoạn 2024-2026, tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề về quản lý và khai thác khoáng sản từ cơ quan quản lý nhà nước đến các DN khai thác và kinh doanh khoáng sản; thí điểm tổ chức kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường về khai thác khoáng sản. Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động kiểm toán…

Giai đoạn sau 2026, xây dựng KHKT hằng năm và KHKT chiến lược để tổ chức kiểm toán trong toàn Ngành theo hướng: kiểm toán chuyên đề độc lập, chuyên sâu toàn bộ khâu quản lý và khai thác khoáng sản; thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường về quản lý TNKS. Định kỳ 3 - 5 năm tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành; xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên về ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ viễn thám, công nghệ đo đạc trữ lượng khoáng sản…
         
“Yếu tố then chốt đảm bảo thành công của cuộc kiểm toán lĩnh vực TNKS là việc áp dụng công nghệ nhằm thu thập các bằng chứng phù hợp, đầy đủ, làm cơ sở cho các kiến nghị khách quan, khả thi” - ThS. Dương Quang Chính và ThS. Vũ Kim Tuyến.
ThS. DƯƠNG QUANG CHÍNH
Chánh Thanh tra KTNN và ThS. VŨ KIM TUYẾN - KTNN chuyên ngành VI
Cùng chuyên mục
Đổi mới tổ chức kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ