Sáng 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên
Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, về vấn đề này còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản.
Do đó, không bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước dưới đất nhưng chứa khoáng chất, có nhiệt độ cao hơn nước thông thường. Tuy vậy, loại nước này vẫn có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật.
Hơn nữa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên khác với các loại khoáng sản khác ở khả năng có thể tái tạo nếu được khai thác và sử dụng hợp lý. Do đó, nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và giữ nội dung này như khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật.
Thảo luận nội dung này, đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất không bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật, như các lý do được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện 02 loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật là hoàn toàn phù hợp.
Rà soát các quy định về quản lý, cấp phép
Liên quan đến vấn đề đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Dự thảo Luật đã bổ sung 04 điều quy định cụ thể về nguyên tắc cấp phép, đối tượng phải đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng nước, điều kiện cấp phép. Về quy mô để làm căn cứ cấp phép sẽ được Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tính đặc thù của nước luôn biến động theo thời gian và không gian.
Góp ý về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng ý với các trường hợp không phải đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, song với các trường hợp nước ngầm thì cần cân nhắc nghiên cứu thêm, phải quy định rõ nhằm kiểm soát vấn đề này. Bởi nước ngầm nếu khai thác không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị rà soát kỹ quy định về đăng ký, cấp phép sử dụng, khai thác nước cho phù hợp, thống nhất, trong đó, cần quản lý hết sức chặt chẽ với nước ngầm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ quan điểm rất lớn “phải kinh tế hóa” ngành tài nguyên môi trường, nhưng trong thực tế chưa triển khai được hiệu quả.
Có những giấy phép là cần thiết nhưng Dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa chú trọng tới quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ làm cái này để quản lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự thảo luật phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý sử dụng tài nguyên nước. Trong đó, lưu ý rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa những gì có thể luật hóa được.
Liên quan đến quy định cấp phép khai thác, sử dụng nước, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Luật đang quản lý chủ yếu bằng giấy phép; nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm, để cho tất cả người dân tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng.
Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH đã tiến hành xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của UBTVQH quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân.