Chiều 14/9, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10, tiến hành thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hình thành hệ thống BHXH đa tầng
Trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội của người dân trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH.
Đồng thời, Luật BHXH (sửa đổi) bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua như: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn. Trong đó, một trong nhưng vấn đề lớn tại Dự thảo Luật là việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước (NSNN) không phát sinh tăng nhiều…
Theo đó, Dự thảo quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Đồng thời, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN đảm bảo.
NLĐ có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
“Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc…” - ông Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Cần sự phối hợp của các ngành trong việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH
Nêu một số vấn đề lớn về Dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của Dự án Luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, cơ quan soạn thảo cần đưa ra nhiều giải pháp khác để mở rộng độ bao phủ...
Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, sửa đổi Luật BHXH lần này cần quan tâm đến hai vấn đề chính, đó là tăng độ bao phủ và các nhóm đối tượng để làm sao người dân có thời gian đóng BHXH ít cũng tham gia hệ thống an sinh.
Đồng thời, Chính phủ cần tính toán mức hưởng của những người đóng ít thời gian có đảm bảo an sinh không? Trợ cấp hưu trí xã hội liên quan đến mức sống tối thiểu, hưu trí xã hội có được tính trên nền sàn an sinh tối thiểu không?
Còn ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, việc mở rộng diện bao phủ người tham gia BHXH, Dự thảo Luật gần như giao vấn đề này cho ngành BHXH mà chưa có sự tham gia của các ngành, địa phương.
“Muốn thực hiện BHXH tốt không chỉ có Luật BHXH mà cần phối hợp nhiều cơ quan như quá trình khai trình lao động… Do đó, các ngành phải tham gia vào việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH.
Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật BHXH bám vào định hướng chính trị với 11 nhóm cải cách chính sách BHXH với mục tiêu xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Có những nhóm chính sách đã thể chế như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; các gói chính sách; giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền…
"Tinh thần cái gì gây bức xúc thì sửa ngay, cái gì không phù hợp thì thay thế. Song, mục tiêu vẫn phải xây dựng BHXH hoàn toàn khác với bảo trợ xã hội, nếu tiếp cận BHXH theo hướng bảo trợ xã hội rất nguy hiểm” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.