Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Q.ANH |
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 10/2021. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia nhận định, Mexico là thị trường xuất khẩu thép mạ mới nhưng rất tiềm năng của Việt Nam và là thị trường chủ lực mặt hàng này ở châu Mỹ. Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế, trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Bởi vậy, xuất khẩu thép vào Mexico rất thuận lợi, trong 10 tháng đầu năm 2021, thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp đôi về giá trị và sản lượng.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700 nghìn tấn, với giá trị gần 800 triệu USD. Xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này chiếm 6% về lượng, 8% về giá trị, tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt là 3% và 4%.
Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, có mã HS 7210 chiếm gần 80%, được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico nhờ ưu đãi thuế quan theo CPTPP. Trong khi đó, Mexico đang duy trì áp thuế chống bán phá giá với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan với mức thuế tương đối cao từ 22,22% đến 76,33%.
Trong bối cảnh thép bị điều tra phòng vệ thương mại gần như tại hầu hết các thị trường thì Mexico được coi là thị trường xuất khẩu thép mạ rất tiềm năng của Việt Nam. Do đó, nếu bị Mexico áp thuế chống bán phá giá, ngành thép mạ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong khoảng 2 năm trở lại đây, trên thị trường quốc tế, thép thường xuyên là mặt hàng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.
Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, khi Mexico khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Thép và các DN để thông tin, phổ biến các quy định của Mexico trong vụ kiện chống bán phá giá.
Bà Phạm Châu Giang (bên trái) - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Q.ANH |
Mặc dù có những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bất lợi về ngôn ngữ, nhưng đến nay, các DN thép của Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Mexico đúng thời hạn.
“Điều may mắn trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, chúng ta đề nghị và được Mexico chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế” - bà Châu Giang nhấn mạnh điều này rất thuận lợi cho các DN Việt Nam và bày tỏ hy vọng, trong trường hợp Mexico áp thuế chống bán phá giá thì mức thuế sẽ không cao tới mức cản trở hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này.