Lễ vinh danh các DN lớn nhất Việt Nam năm 2020. Ảnh: VNR500 |
Doanh nghiệp lớn cũng "lung lay" trong đại dịch
Năm 2020, mặc dù thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống mức 2,9%. Tuy nhiên, với những giải pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch thì đến quý III/2021, tăng trưởng kinh tế suy giảm kỷ lục với mức -6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 1,42% và đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) cho đến nay.
Từ kết quả khảo sát đối với Top 500 DN lớn Việt Nam (VNR500) năm 2021, ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch của Vietnam Report - đơn vị thực hiện Bảng xếp hạng VNR500 - chia sẻ, cộng đồng DN VNR500 đã và đang phải đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch.
Cụ thể, 48,7% số DN phải cắt giảm nhân sự, cùng với đó có tới 48% DN bị giảm năng suất lao động và lượng khách hàng cũng bị giảm 47,4% so với khi dịch chưa bùng phát. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của DN bị giảm xuống đáng kể theo đánh giá của 57,9% DN VNR500. Cùng với đó, 67,1% DN cho biết chi phí của DN tăng lên trong thời gian này.
Khảo sát các DN VNR500 tháng 11/2021. Nguồn: VNR500 |
Mặc dù nền kinh tế đã gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng cả về mặt sản lượng quốc gia cũng như hiệu quả hoạt động thấp của cộng đồng DN nhưng những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi mà tình hình dịch bệnh dần được khống chế và tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin tăng lên nhanh chóng.
Theo ông Phùng Hoàng Cơ, có 56% DN VNR500 được khảo sát chia sẻ sự lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021, trong đó gần 40% DN đánh giá tình hình kinh doanh sẽ dần đi vào ổn định và diễn biến thị trường sẽ tốt hơn. Một số khảo sát điển hình đối với từng nhóm ngành chính trong nền kinh tế cũng cho thấy có một tỷ lệ nhất định DN lạc quan về cơ hội trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Cụ thể, khoảng 10% DN ngành bán lẻ nhận định thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục và kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc; hơn 20% DN ngành thực phẩm đồ uống cho rằng đã chuẩn bị cho sự hồi phục trở lại của thị trường; 58% DN ngành tài chính - ngân hàng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế cuối năm.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN đang đón nhận cả cơ hội và thách thức trong những tháng cuối năm cũng như cả đầu năm 2022.
Hỗ trợ chính sách tạo "cú huých" cho doanh nghiệp
Theo phản hồi của cộng đồng DN VNR500, tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng tăng lên nhanh chóng, tính đến đầu tháng 11/2021 đã có trên 83% người từ 18 trở lên đã được tiêm ngừa ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19. Các khu vực là trung tâm sản xuất vùng đều có tỷ lệ bao phủ vắc xin ở mức cao, đạt trên 95% dân số trưởng thành. Kết quả này mở ra cơ hội lớn cho việc tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong quý IV/2021.
Sự chuyển hướng sang giai đoạn bình thường mới và hướng đến “sống chung với dịch” đã đưa Việt Nam hòa theo xu thế của nhiều nước trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục chiến lược “Zero Covid”, chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam và có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Bắc Mỹ, EU và Đông Á) đang có sự hồi phục tốt về nhu cầu tiêu dùng. Vì thế, đây là cơ hội để các DN Việt Nam có thể vượt qua khó khăn khi nhu cầu của thị trường thế giới tăng mạnh dịp cuối năm.
Chia sẻ thêm những con số từ khảo sát, ông Phùng Hoàng Cơ nêu rõ, 82,9% DN mong muốn Chính phủ tiếp tục có những hỗ trợ chính sách cho các DN trong thời gian tới. Cụ thể là các chính sách giãn, giảm thuế cho DN và các gói hỗ trợ cho dân cư tại các thành phố lớn.
Khảo sát các DN VNR500 tháng 11/2021. Nguồn: VNR500 |
Thời gian qua, các DN được gia hạn, miễn giảm tiền Thuế Thu nhập DN, tiền thuê đất đã cho thấy sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng trong việc thúc đẩy các DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, các chính sách này đã giúp giảm áp lực thanh toán của các DN trong điều kiện lực cầu của thị trường đang còn khá yếu như hiện nay.
Đó cũng là nguồn tài chính giúp DN có thể quay vòng vốn, thanh toán một phần công nợ, giúp DN có thêm nguồn lực tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả tốt hơn. Các địa phương có những chính sách hỗ trợ người dân về nguồn chi phí sinh hoạt cũng giúp hồi phục phần nào lực cầu của thị trường.
Tuy nhiên, các DN cũng chia sẻ về những thách thức mà họ đang tiếp tục phải đối mặt. Thứ nhất là đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và khó lường. Thứ hai, về phía các DN, bên cạnh năng lực sản xuất bị giảm thì nhiều DN phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị huỷ do thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng (82,9%), khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới (56,6%) và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào (48,7%).
Chỉ xét riêng các tác động tiêu cực trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa qua, có tới 92% DN VNR500 bị gián đoạn quy trình làm việc do nhân sự tuân thủ giãn cách xã hội; 89,2% DN có chi phí sản xuất tăng vọt do phương án “3 tại chỗ”, cước vận chuyển, bị phạt vì vi phạm hợp đồng…; 81,9% DN bị giảm sản lượng do gián đoạn sản xuất; 77,8% DN gặp ách tắc trong hoạt động mua nguyên vật liệu đầu vào.
Đứng trước những khó khăn, thách thức này, mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN VNR500 là sự hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách của Chính phủ để các DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, giữ vững được vị thế các DN lớn nhất Việt Nam.