Động lực mới trong xây dựng và phát triển đất nước

(BKTO) - Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 6 quốc gia, gồm: Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Hoa Kỳ và Nhật Bản (năm 2023). Các mối quan hệ này đã và đang có những bước tiến lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là việc phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác.

3-thay(1).jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio tại cuộc họp báo ngày 27/11/2023. Ảnh: ST

Bước tiến lớn trong phát triển kinh tế, thương mại

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam vào tháng 6/2008. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng toàn diện, sâu sắc, thực chất, hiệu quả. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%. Mức tăng này là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 139,2 tỷ USD sau 10 tháng năm 2023.

Tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Cấp Nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với những phương hướng lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN của Hoa Kỳ, cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của quốc gia này. Tính từ năm 1995 đến năm 2022, tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia từ 450 triệu USD lên hơn 123 tỷ USD. Đến hết tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 80,5 tỷ USD, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

Bên cạnh Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì Việt Nam còn có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Trên nền tảng tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam - Nga có độ tin cậy cao. Từ khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện được thiết lập hơn 10 năm trước, nhiều cơ chế phối hợp đã được xác lập trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư khoa học, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Liên bang Nga đã đạt được những bước phát triển tích cực. Chỉ trong vòng 5 năm (2016-2021), kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi về trị giá, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng tăng trưởng bình quân 15%/năm. Năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bị ảnh hưởng đáng kể, đạt 3,55 tỷ USD. Tính riêng 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,5 tỷ USD, bằng 66% của cả năm 2022.

Với Hàn Quốc - một cường quốc về công nghệ trên thế giới với những tập đoàn đa quốc gia. Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và hai nước đang quyết tâm thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục duy trì được vị trí số một trong đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với luỹ kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81,3 tỷ USD, đứng thứ hai về hợp tác phát triển, du lịch và lao động và đứng thứ ba về hợp tác thương mại. Hai bên đã thống nhất cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030.

Còn với Ấn Độ, sau gần 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên đều cam kết thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng sâu sắc, đặc biệt là kinh tế, an ninh, quốc phòng; qua đó góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định của hai nước, khu vực và quốc tế. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Chỉ tính đến hết tháng 6/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,5 tỷ USD. Hiện hai nước đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Ấn Độ luôn được Việt Nam xác định là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại. Quốc gia này hiện là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại khu vực Nam Á.

Thời kỳ hợp tác phát triển mới giữa Việt Nam và Nhật Bản

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 27/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Việc nâng cấp quan hệ phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

Trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành một điểm sáng trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản là nước tài trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 36,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 19,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 17,7 tỷ USD.

Những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là tiền đề quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Cùng chuyên mục
  • Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, nền nếp
    4 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, phê bình và tự phê bình là nguyên tắc cơ bản, quan trọng cần phải được quan tâm đặc biệt. Chất lượng của công tác phê bình và tự phê bình sẽ quyết định hiệu quả của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng thực hiện phê bình và tự phê bình như thế nào cho tốt nhất?
  • Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để phát triển đất nước trong giai đoạn mới
    5 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là nội dung trọng tâm được đề cập trong chuyên đề: “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 45-NQ/TW).
  • Mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho mọi đối tượng
    5 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những điểm mới rất quan trọng của Nghị quyết số 42-NQ/TW là đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
  • Mở ra kỷ nguyên mới với Thổ Nhĩ Kỳ, đưa quan hệ Việt Nam - UAE lên tầm cao mới
    5 tháng trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và UAE khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một Việt Nam năng động, mạnh mẽ; đồng thời tạo đột phá, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra những xung lực mới để đưa quan hệ song phương Việt Nam - UAE lên tầm cao mới…
  • Cán bộ, đảng viên Kiểm toán nhà nước nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 8
    5 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 04/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối với các điểm cầu của tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến cơ sở.
Động lực mới trong xây dựng và phát triển đất nước