Nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rủi ro
Theo TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo của NCIF, chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2018 có sự cải thiện tích cực so với các giai đoạn trước. Đúc kết những điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam giai đoạn này, TS. Anh nêu rõ: Bội chi ngân sách đã được kiểm soát, nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tiệm cận với giới hạn an toàn; tín dụng được điều hành hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định; lạm phát và tỷ giá được kiểm soát là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Đề cập đến những yếu tố được đánh giá có tác động lớn đến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2018, TS. Anh nhấn mạnh vai trò của tiêu dùng trong nước và sự cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi, xuất khẩu tuy tăng trưởng mạnh nhưng lại tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng, sản phẩm chủ lực như: điện tử, điện thoại di động… Điều này tạo rủi ro cho tăng trưởng. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên thặng dư thương mại của khu vực này tăng cao, gây rủi ro cho Việt Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản và xu hướng nổi lên gần đây là mua bán, sáp nhập (M&A) để tham gia thị trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Phân tích về cơ cấu kinh tế, TS. Anh chỉ ra một số điểm cần lưu ý: Tỷ trọng đóng góp của ngành nông - lâm - thủy sản đang giảm, xu hướng tăng trưởng của các ngành công nghiệp xương sống cũng đang giảm để chuyển dịch theo hướng làm dịch vụ là chính, điều này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn tăng, trong khi phần đóng góp của khu vực trong nước giảm. Hệ số đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của khu vực trong nước vẫn cao, chưa có nhiều cải thiện về khả năng sử dụng vốn. Cải thiện năng suất lao động cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Môi trường kinh doanh tuy có cải thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan, nhưng không đồng đều.
Trước thực tế này, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - cho rằng, tăng trưởng cho giai đoạn trung, dài hạn vẫn chưa được định hình. Động lực tăng trưởng chính là khu vực tư nhân vẫn bị kìm hãm, gặp nhiều khó khăn do cải cách bộ máy nhà nước diễn ra còn chậm, không đồng đều giữa các cấp. Vì vậy, tuy nhiều chính sách đã được ban hành nhưng vẫn chưa thúc đẩy được khu vực tư nhân thực sự phát triển.
Dự báo tăng trưởng tới 7,2% ở kịch bản cao
Từ những kết quả nghiên cứu, phân tích, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế 2019-2020. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,84%/7,02% (kịch bản cơ sở/kịch bản cao) trong năm 2019 và 7%/7,2% năm 2020. Sự khác nhau giữa hai kịch bản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tỷ lệ chi đầu tư phát triển.
TS. Đặng Đức Anh cho rằng, trước diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế thế giới, nhất là chính sách bảo hộ thương mại giữa các quốc gia hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì việc đẩy mạnh tăng trưởng khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động... là động lực tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới.
Bình luận về kết quả nghiên cứu do NCIF thực hiện và công bố, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, cần phải có thêm những cảnh báo rủi ro do độ mở tài chính của Việt Nam lớn hơn nhiều so với khả năng, trình độ phát triển của thị trường tài chính, tạo nên mối lo thâm hụt ngân sách. Dẫn chứng Thái Lan cũng là nền kinh tế có độ mở tài chính mạnh nhưng họ có lộ trình, TS. Lê Xuân Sang bày tỏ quan ngại khi Việt Nam vẫn chưa có lộ trình cụ thể, rõ ràng.
Còn theo TS. Lưu Bích Hồ, song song với những dự báo khả quan, cần phải nghiên cứu sâu hơn về những biến động của kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2019-2020, trong đó phải tính cả tới khả năng sụt giảm tăng trưởng, bất ổn vĩ mô và áp lực trả nợ công. Trong khi khu vực FDI chỉ giúp tăng GDP nhưng không giúp tăng được thu nhập quốc dân (GNI), không tăng được thu nhập người dân thì động lực tăng trưởng quan trọng chính là khu vực trong nước, trong đó có động lực từ khu vực tư nhân. Nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam cũng đã được thể hiện rõ trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế với sự chỉ báo của các chỉ tiêu: chất lượng nền kinh tế, độ mở nền kinh tế, môi trường kinh doanh, quản trị DN, giáo dục, y tế…
Nhấn mạnh 4 nhân tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019-2020 là thúc đẩy khu vực tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách nhà nước, trong đó, động lực cải cách nhà nước phải là số 1, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn chỉ ra rằng cần phải quan tâm đến nhân tố Trung Quốc, bởi cùng với Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018