Đột phá cải cách, hướng đến phát triển bền vững

(BKTO) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là “gói hỗ trợ” phi tài chính hiệu quả, cần thiết nhằm tiếp sức cho DN vượt khó, tiếp tục duy trì sự phục hồi và hướng đến phát triển bền vững.

3-.jpg

Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - đánh giá, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo, song kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nền kinh tế và cộng đồng DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài những nguyên nhân khách quan, một trong những nguyên nhân quan trọng được Chính phủ chỉ ra đó là việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu, đặc biệt là còn có những vướng mắc về thể chế.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn không ít rào cản cản trở sự phát triển của DN. Đơn cử, Luật Đầu tư năm 2020 quy định có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng hiện tại, thống kê thực tế có khoảng 700 ngành nghề, với điều kiện kinh doanh đặt ra dưới nhiều dạng, quy chuẩn tiêu chuẩn khác nhau, khiến DN phải chật vật đáp ứng để có thể gia nhập thị trường. Ngoài ra, pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng còn chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn.

Các Bộ, ngành cần rà soát lại các thủ tục trong lĩnh vực mình quản lý để cắt giảm một cách quyết liệt. Căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ trong việc xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cũng quan ngại về chất lượng môi trường kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, thể hiện ở một số vấn đề như: Quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển; quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều DN...

Liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra vào ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động; được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh đến những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho biết, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các nội dung; trong số đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện, góp phần quan trọng vào ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, DN vẫn còn gặp nhiều gian nan khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để. “Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhà nước phải chuyển sang vai trò kiến tạo phát triển

Năm 2023 đang dần khép lại, song theo nhiều chuyên gia, những khó khăn, thách thức đối với cộng đồng DN vẫn còn hiện hữu khá rõ nét, đang đặt ra áp lực rất lớn cho DN trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN thì những bất cập, tồn tại trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải được khơi thông một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt.

Việc tuân thủ một “mạng nhện” các quy định không những tạo ra chi phí tuân thủ lớn mà còn gây nhiều rủi ro pháp lý cho DN.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Đưa khuyến nghị cụ thể, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, cũng như nâng cao tính minh bạch, rõ ràng của các quy định pháp luật, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo đảm sự an toàn trong quá trình đầu tư của DN. Đặc biệt, Nhà nước phải chuyển từ vai trò kiểm soát và quản lý là chủ yếu sang kiến tạo phát triển và phục vụ người dân, DN là chủ yếu, theo phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ.

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ thêm, chất lượng pháp luật rất quan trọng nhưng đi kèm với đó phải là đảm bảo việc thực thi pháp luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng hiện nay. Khảo sát DN hằng năm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. “Cộng đồng DN luôn cần một môi trường pháp lý có tính ổn định, có khả năng dự đoán trước khi quyết định đầu tư. Nếu môi trường pháp luật không ổn định, khó dự đoán tức là rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sẽ kém thuận lợi” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Môi trường kinh doanh còn nhiều “gập ghềnh” đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của cộng đồng DN.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI

Từ góc độ DN, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - bày tỏ, trong bối cảnh khó khăn bên ngoài còn rất lớn, thì ở trong nước, chính sách hỗ trợ DN phải được tăng cường nhiều hơn. Theo đó, ngoài những chương trình hỗ trợ trực tiếp như các chính sách về tài khóa, tiền tệ thì điều mà các DN mong chờ nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo bỏ rào cản, đồng thời không đặt ra thêm những rào cản mới, việc này sẽ hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
  • Quỹ bảo lãnh tín dụng được kỳ vọng tiếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Quỹ bảo lãnh tín dụng tuy không mới, nhưng gần đây đang được nhắc đến nhiều hơn trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng rất thiện chí cho vay, nhưng vướng các rào cản về tiêu chuẩn tín dụng.
  • Tìm nguồn vốn hợp pháp cho dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Do toàn bộ số vốn còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán, không còn tiền để chuyển nguồn nên phương án Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn của dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến năm 2024 là không thể thực hiện được.
  • Yên Bái hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho 715 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong 03 năm (2021-2023), từ nguồn ngân sách tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 715 hộ gia đình thuộc diện được hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ.
  • Thị trường bất động sản đang “ấm” lên
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau một thời gian dài “nguội lạnh”, hiện thị trường bất động sản (BĐS) đã bắt đầu có những dấu hiệu “tan băng”, “ấm” dần lên. Tuy vậy, vẫn còn có những khó khăn nhất định cần tiếp tục gỡ vướng để thị trường có nhiều điểm sáng hơn và hướng đến phát triển bền vững.
  • Tạo động lực huy động vốn đầu tư tư nhân
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tán thành việc nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước vào dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) song các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị cần đánh giá, tháo gỡ những hạn chế vướng mắc, tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ.
Đột phá cải cách, hướng đến phát triển bền vững