Tạo động lực huy động vốn đầu tư tư nhân

(BKTO) - Tán thành việc nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước vào dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) song các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị cần đánh giá, tháo gỡ những hạn chế vướng mắc, tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ.

10-.jpg
Cần đánh giá, tháo gỡ những vướng mắc, tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ. Ảnh: ST

“Nới” tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ theo phương thức PPP, Chính phủ đề xuất vốn nhà nước tại các dự án này (gồm quốc lộ và cao tốc) được “nới” lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tăng 20% so với quy định hiện nay nhằm tạo động lực huy động vốn tư nhân, hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng rót vốn khi hiệu quả tài chính dự án được đảm bảo. Đây cũng là chính sách được Quốc hội cho phép áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ. Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng), lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công rất lớn, chiếm tỷ lệ vốn cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026. Luật PPP quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án, dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này.

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược có tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng đồng thời với kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Do đó, nguồn lực nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh - quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…, cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn…

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%. Theo đại biểu, đây là phần vốn nhà nước có thể tham gia và tạo dư địa cho địa phương đàm phán với các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy hoàn cảnh có phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép.

Nếu tỷ lệ vốn nhà nước thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP. Do đó, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước là vấn đề cần cân nhắc. Qua tính toán cho thấy, mức 70-75% là hợp lý. Tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn; từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư tư nhân không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn… Do đó, cần thiết nâng tỷ lệ vốn nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm tính khả thi.

Tăng vốn nhà nước cần song hành với tạo cơ chế thu hút đầu tư

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án giao thông theo hình thức PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, chính sách trên vẫn chưa xử lý triệt để những khó khăn của các dự án giao thông PPP hiện nay. Bởi thực tế vừa qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn trong huy động vốn do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, nhưng chưa có cơ chế thỏa đáng bảo vệ nhà đầu tư. Mặt khác, những tồn tại của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; lưu lượng xe thực tế của các dự án này thấp hơn nhiều phương án tài chính đưa ra, chậm tăng phí sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dự án. Việc này khiến các ngân hàng, nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP.

Tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) nhấn mạnh, điều nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả dự án. Nếu dự án hiệu quả thì nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ cao. Vì vậy, ngoài tăng vốn nhà nước, cần có cơ chế để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, tỷ lệ vốn nhà nước tăng thêm tại dự án PPP có gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hay không? Bởi thực tế cho thấy, một trong những vướng mắc lớn nhất khiến tăng chi phí, tiến độ chính là hợp phần thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng của các các dự án.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cũng cho rằng, cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án PPP theo các quy định hiện hành còn một số hạn chế: Nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn thực hiện các hạng mục công trình trước, bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn nhà nước tham gia và chỉ sau khi hạng mục công trình đó được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân. “Việc này làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công” - đại biểu nêu rõ và đề nghị cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Dự thảo Nghị quyết theo hướng phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động.

Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc Chính phủ trình Quốc hội nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên 70% tổng mức vốn đầu tư là cần thiết nhưng chưa phải là yếu tố căn bản để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào dự án giao thông đường bộ, bởi theo kinh nghiệm quốc tế, quan trọng là cơ chế và hiệu quả dự án sẽ thu hút vốn tư nhân. Do đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc sắp tới sẽ phải sửa Luật PPP./.

Cùng chuyên mục
Tạo động lực huy động vốn đầu tư tư nhân