Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được xây dựng theo mô hình chính phủ điện tử tập trung, thống nhất. Ảnh: NGUYỆT HÀ
Nỗ lực để thành công
Không phải chỉ riêng năm 2017 việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT mới được ngành BHXH quan tâm, chú trọng đầu tư, mà từ nhiều năm trước, ngành BHXH đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực… Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã nhiều lần khẳng định: Ứng dụng CNTT chính là nhiệm vụ “sống còn” để xây dựng ngành BHXH đổi mới, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chất lượng phục vụ người dân, DN.
Tâm huyết đó của vị tư lệnh ngành đã trở thành “mệnh lệnh” để BHXH Việt Nam nỗ lực, vượt mọi khó khăn và gặt hái những thành quả mang tính đột phá.
Trên lĩnh vực cải cách TTHC, ngành BHXH đã tổ chức quyết liệt từ T.Ư đến địa phương trong việc sắp xếp, cắt giảm các bộ thủ tục, các quy trình nghiệp vụ. Kết quả, từ 115 bộ TTHC năm 2016, đến cuối năm 2017, toàn ngành chỉ còn 28 bộ TTHC. Không dừng ở đó, theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2018, ngành sẽ tái cấu trúc, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử.
Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH cũng ghi nhận sự bứt phá ấn tượng. Đó là việc xây dựng thành công Bộ cơ sở dữ liệu về hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế đồng bộ với 66,82% cơ sở dữ liệu về phát hành sổ BHXH, thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT).
BHXH Việt Nam cũng đã thiết lập được Hệ thống mã số BHXH (mã ID) duy nhất cho mỗi người dân ở Việt Nam, từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Mã số này là một trong những công cụ tích cực để người dân, người lao động tự mình tra cứu và kiểm soát quá trình đóng hưởng, cũng là cơ sở để bảo đảm cho việc thụ hưởng quyền lợi BHXH, BHYT; đồng thời tích hợp các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành khác có liên quan với vị trí là 1 trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong năm 2017, ngành BHXH còn tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao dịch điện tử từ Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam đến hệ thống phần mềm (từ thu, sổ thẻ đến hệ thống tài chính) để bảo đảm thuận lợi cho các tổ chức, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH. “Đây chính là cơ sở giúp giảm giờ giao dịch BHXH từ 335 giờ xuống còn 49 giờ và tiếp tục phấn đấu để lọt vào top ASEAN-4 theo chỉ đạo của Chính phủ”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành BHXH đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT. Với Hệ thống này, tất cả quá trình người bệnh đi khám chữa bệnh cũng như dữ liệu về: tạm ứng hay quyết toán, chi phí khám chữa bệnh, dữ liệu của các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được công khai trên hệ thống thông tin giám định. Đây là một công cụ rất tích cực để tiến tới quản lý sức khỏe cho người dân ở y tế cơ sở thông qua sổ quản lý sức khỏe.
Đặc biệt, năm 2017, việc đưa vào vận hành thành công Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH theo hướng Chính phủ điện tử, tập trung thống nhất ở T.Ư đã chấm dứt tình trạng quản lý phân tán, rời rạc ở 63 tỉnh, thành phố và 750 huyện như thời điểm năm 2016. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Dịch vụ khách hàng, bảo đảm trực 24/24h, để có thể trả lời tất cả những vướng mắc của các tổ chức, DN, người dân liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp…
Bằng những bước tiến vững chắc, Hệ thống Một cửa điện tử tập trung; Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH… tiếp tục được hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoạt động của ngành. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; số đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử đạt trên 236 nghìn đơn vị, DN. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã hoàn thành tin học hóa việc quản lý và lưu trữ đối với 4,5 triệu hồ sơ hưởng BHXH.
Tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về ngành BHXH
Những thành quả trong ứng dụng CNTT của ngành BHXH càng có ý nghĩa hơn khi được lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan, tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, những nỗ lực ấy đã thực sự “ghi điểm”, góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về BHXH trong mắt người dân - đối tượng phục vụ chính của ngành.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh thành quả ứng dụng CNTT của ngành BHXH. Theo Phó Thủ tướng, bằng việc đặt hàng thiết lập hệ thống tin học quản lý, một Bộ cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người Việt Nam với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản đã được hình thành. Bộ cơ sở dữ liệu này khi được kết nối với các Bộ, ngành khác sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn trong việc triển khai thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động; đồng thời, góp phần giúp Chính phủ quản lý tình hình dân cư và an sinh xã hội được đầy đủ và bao quát tổng thể hơn.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017).
Đặc biệt, “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2017” (Vietnam ICT Index 2017) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và bứt phá vươn lên xếp hạng 2 trong “Bảng xếp hạng chung các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công” (tăng 18 bậc so với năm 2016). Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đánh giá: “BHXH Việt Nam là gương điển hình về việc ứng dụng thành công CNTT trong cải cách hành chính”.
Ấn tượng của bà Nguyễn Hoài Thu - nguyên cán bộ Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi bà đến BHXH quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm thủ tục hưởng chế độ nghỉ hưu: "Lối vào cơ quan BHXH chật hẹp. Nhưng ở đó, cách làm việc, quản lý hoàn toàn nhanh gọn, thuận tiện, mang màu sắc của cuộc cách mạng 4.0". Hơn bao giờ hết, chính niềm tin, sự ghi nhận ấy của những người dân là nguồn động viên to lớn, tạo động lực để toàn ngành BHXH tiếp tục thắp sáng tinh thần cải cách và không ngừng lan tỏa những giá trị của CNTT.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018