Các thương vụ phát huy vai trò ngoại giao kinh tế

(BKTO) - Bộ Công Thương tổng kết, trong 2 năm 2016 và 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 15%/ năm. Kết quả đó một phần là nhờ các thương vụ ở nước ngoài đã chủ động triển khai hiệu quả hoạt động chuyên môn, tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Nhà nước có đối sách phù hợp, cũng như hỗ trợ tốt cho các DN.



Xuất nhập khẩutăng trưởng mạnh

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao như: Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1% (năm 2016 tăng 28,4%), Chi-lê là 26,3% (năm 2016 tăng 23%), Liên bang Nga là 35,7% (năm 2016 tăng 25,7%), Nhật Bản là 14,2% (so với 3,9% năm 2016).

Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017 sau khi đã tăng 28,4% trong năm 2016. Xuất khẩu sang ASEAN có sự chuyển biến tích cực, chuyển từ giảm 4,7% năm 2016 sang tăng trưởng 24,3% vào năm 2017. Cán cân thương mại với Trung Quốc và ASEAN đã có sự cải thiện đáng kể.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD.

Cùng với đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Cả nước đã có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2016, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu.

Nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao (27%) nhưng giá trị xuất khẩu năm 2017 chỉ đạt 4,42 tỷ USD và chỉ còn chiếm khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016, trong đó có tới 89,3% là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5,9% tổng kim ngạch và chỉ tăng 8,6% so với năm 2016, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng nhập khẩu chung. Thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam tiếp tục là Trung Quốc (58,5 tỷ USD, tăng 16,9%), Hàn Quốc (46,8 tỷ USD, tăng 45,5%), ASEAN (28 tỷ USD, tăng 16,4%), EU (12 tỷ USD, tăng 7,7%) và Hoa Kỳ (9,1 tỷ USD, tăng 5%).

Cầu nối giao thương hiệu quả

Từ kết quả xuất nhập khẩu 2 năm qua, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá: Hệ thống thương vụ đã trở thành cầu nối giao thương hiệu quả giúp đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài. Các thương vụ đã đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của nước sở tại để hỗ trợ cho các cơ quan trong nước định hướng phát triển thị trường cho mặt hàng có liên quan; đồng thời, hỗ trợ tích cực cho các DN tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng; tư vấn pháp lý để DN trong nước đưa hàng hóa tiếp cận thị trường sở tại...

Hơn nữa, trong 2 năm 2016-2017, các thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại, với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm bớt các hoạt động xúc tiến thương mại chung chung. Ở chiều ngược lại, các thương vụ cũng tích cực quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại lớn tại Việt Nam cho các DN nước ngoài.

Đặc biệt, các thương vụ đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hoạt động của các thương vụ còn có hạn chế như: chưa bao quát hết được yêu cầu công việc, tính chủ động cũng chưa thật cao, quan hệ phối hợp có lúc chưa được thông suốt. Một số thị trường có số lượng biên chế quá mỏng so với khối lượng công việc chuyên môn. Công tác tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp xúc đối tác tại một số thị trường bị hạn chế bởi không có nhân sự sử dụng ngôn ngữ bản địa...

Trong bối cảnh hoạt động giao thương xuất nhập khẩu ngày càng trở nên sôi động, các cơ quan thương vụ được xem là đại diện tuyến đầu của Bộ Công Thương tại mỗi thị trường ngoài nước. Để hoàn thành mục tiêu năm 2018, các thương vụ được định hướng: tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản...; phát triển các thị trường mới góp phần thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực, cân bằng hơn giữa các khu vực; có giải pháp phù hợp giúp tăng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu với các thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhiều năm để giảm dần, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 01-03-2018
Cùng chuyên mục
  • BHXH Việt Nam:  Nơi lan tỏa sắc màu công nghệ thời 4.0
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) là điểm nhấn quan trọng trong năm 2017. Với nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật, những “kỳ tích” từ CNTT của ngành đã được các cơ quan, tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao; được người dân, DN ghi nhận và tin tưởng.
  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần hạn chế những tác động  tiêu cực cho thị trường lao động
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Dự thảo Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu (giữ nguyên như hiện nay hoặc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam lên 62, nữ lên 60). Đề xuất này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với những luồng ý kiến trái chiều. Song qua các khảo sát, đánh giá cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
  • Hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập, Việt Nam cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đất đai, nguồn vốn ưu đãi... Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: phát triển và hội nhập” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
  • Logistics Việt Nam:  “Sân chơi” hấp dẫn nhưng khó chiếm lĩnh
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sức ép cạnh tranh đang buộc ngành logistics (giao nhận, vận tải) Việt Nam phải chuyển mình để bứt phá vươn lên khi Thủ tướng xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8-10%. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra là không nhỏ khi tiềm lực của các nhà cung cấp dịch vụ hạn chế, gánh nặng chi phí vẫn là vấn đề nan giải, kèm theo đó là sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan…
  • Gian nan bảo vệ rừng phòng hộ
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Rừng phòng hộ có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ đất, giữ nước, hạn chế xói mòn, thiên tai... Song trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến rừng phòng hộ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bị xâm phá, suy giảm, mất mát nghiêm trọng.
Các thương vụ phát huy vai trò ngoại giao kinh tế