Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư trong nhiều năm tới

(BKTO) - Đó là khẳng định của GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán mới đây.



Năm 2017 khép lại với việc Việt Nam đạt con số kỷ lục về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký là 35,88 tỷ USD, đạt kỷ lục trong gần 10 năm qua; vốn thực hiện cũng đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Điều quan trọng hơn là chất lượng vốn đầu tư thực hiện tốt hơn nhiều so với những năm trước, thể hiện ở 3 điểm.

Thứ nhất, các dự án lớn (Samsung, LG, Panasonic, Lọc hóa dầu Nghi Sơn...) hứa hẹn tạo ra năng lực sản xuất mới của công nghiệp Việt Nam, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, năm 2017, xuất khẩu của riêng Samsung là 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, cứ 2 điện thoại di động do Samsung sản xuất thì có 1 cái sản xuất ở Việt Nam.

Thứ ba, một số Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) rất lớn đã được thành lập ở Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung đã đầu tư 300 triệu USD mở một trung tâm lớn ở Hà Nội và tuyển dụng 1.650 nhân sự phần mềm vào làm việc, hiện Samsung đang tiếp tục đầu tư một trung tâm 400 triệu USD tại TP.HCM và đã tuyển ngay hàng trăm kỹ sư phần mềm.

Nhiều DN lớn như: Boss, Mercedes, Siemen, Intel… cũng chú trọng thành lập Trung tâm R&D lớn tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam có một đội ngũ đủ sức làm cho các DN lớn của thế giới. Như vậy, chúng ta không chỉ dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ mà đang dần tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là lợi thế mà chúng ta cần phải tích cực khai thác trong thời gian tới.

Trên đà khởi sắc trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông dự báo như thế nào về xu thế dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2018?

- Không chỉ trong năm 2018 mà cho đến năm 2023, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Có ý kiến phàn nàn một số DN phân phối lớn đã rút khỏi Việt Nam và cho rằng, đó là cảnh báo cần quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi, đó không phải là hiện tượng phổ biến giống như các DN nước ngoài đã rút khỏi Trung Quốc trong năm 2016 và 2017. Bởi số DN phân phối mới vào Việt Nam lớn hơn nhiều so với số DN phân phối rút khỏi Việt Nam.

Thực tế là các DN phân phối của Thái Lan, Malaysia và nhiều nước ASEAN khác cũng đang tận dụng cơ hội đến từ việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, tạo nên thị trường chung, để đổ xô vào Việt Nam. Điều chúng ta đang quan ngại là làm thế nào bảo vệ được DN Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, chứ không phải lo lắng DN phân phối nước ngoài rút khỏi Việt Nam.

Tuy triển vọng thu hút FDI có thể kéo dài từ nay đến năm 2023 nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh là cải cách nền hành chính, bộ máy con người, đưa ra một hệ thống chính sách minh bạch, công khai, ổn định để giúp DN trong nước và DN FDI có thể phát triển lành mạnh, bền vững.

Điều mà nhiều chuyên gia cũng như dư luận băn khoăn suốt nhiều năm qua là sức lan tỏa của DN FDI đối với DN Việt dường như quá yếu. Hiện nay, tình hình đã có gì thay đổi, thưa ông?

- Nếu như từ năm 2014, chúng ta băn khoăn về sức lan tỏa của DN FDI với DN trong nước thì tôi cho rằng đến năm 2017, chúng ta đã tìm ra được giải pháp để giải quyết vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sự lan tỏa, liên kết của các DN FDI với DN trong nước để cộng đồng DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi lấy minh chứng là một mô hình vừa thành công của Samsung.

Trong năm 2014-2015, Samsung vẫn chỉ có 8 DN Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ là DN hỗ trợ cấp II, III - tức là làm các mặt hàng đơn giản như bao bì, nhãn mác… Nhưng đến năm 2016, Samsung bắt đầu tìm thấy tiềm năng rất lớn của DN Việt Nam nên họ đã chủ động đề ra kế hoạch hợp tác và lựa chọn 9 DN Việt Nam đủ sức trở thành DN cung cấp (vendor) cấp I.

Họ nhìn thấy những nhược điểm có thể khắc phục được của DN Việt và đã cử 3 chuyên gia của Samsung đến làm việc tại mỗi DN. Sau 3 tháng, cả 9 DN đã tiến bộ rõ rệt, đáp ứng đủ 18 tiêu chí của Samsung. Kinh nghiệm này đã được lan truyền. Tính đến cuối năm 2017, Samsung đã phát triển được 29 vendor cấp I và hơn 200 vendor cấp II, III. Đại diện Samsung chia sẻ, khả năng đáp ứng nhu cầu của DN Việt sẽ vượt dự kiến của họ. Đến năm 2020, Samsung sẽ có khoảng 50 vendor cấp I và 300 vendor cấp II, III.

Rõ ràng, câu chuyên trên cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu. Một là, các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam hãy tin rằng DN Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của họ. Nếu nhà đầu tư có chiến lược tìm đến các DN Việt Nam để hợp tác chân thành thì họ sẽ chọn được đối tác ưng ý. Điều đó có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nhờ tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt, khi có những đơn hàng cấp tốc lớn thì nhà đầu tư có thể hoàn toàn chủ động.

Hai là, theo chia sẻ của các vendor cấp I của Samsung, có 2 yếu tố quan trọng là hãy tự tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của họ và hãy chủ động tìm đến các nhà đầu tư lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta không nên e ngại rằng DN nhỏ, không có điều kiện, bởi vì, tâm lý tự ti sẽ khiến DN không vươn lên được.

Nếu mô hình trên có thể nhân rộng ra các lĩnh vực khác thì chắc chắn, công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển và tác dụng lan tỏa của DN FDI ngày càng lớn. Điều đó không chỉ giúp cho cộng đồng DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn có thể hợp tác với các DN FDI để ngày càng lớn lên

Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG THOAN (Thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Các thương vụ phát huy vai trò ngoại giao kinh tế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bộ Công Thương tổng kết, trong 2 năm 2016 và 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 15%/ năm. Kết quả đó một phần là nhờ các thương vụ ở nước ngoài đã chủ động triển khai hiệu quả hoạt động chuyên môn, tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Nhà nước có đối sách phù hợp, cũng như hỗ trợ tốt cho các DN.
  • BHXH Việt Nam:  Nơi lan tỏa sắc màu công nghệ thời 4.0
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) là điểm nhấn quan trọng trong năm 2017. Với nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật, những “kỳ tích” từ CNTT của ngành đã được các cơ quan, tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao; được người dân, DN ghi nhận và tin tưởng.
  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần hạn chế những tác động  tiêu cực cho thị trường lao động
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Dự thảo Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu (giữ nguyên như hiện nay hoặc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam lên 62, nữ lên 60). Đề xuất này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với những luồng ý kiến trái chiều. Song qua các khảo sát, đánh giá cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
  • Hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập, Việt Nam cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đất đai, nguồn vốn ưu đãi... Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: phát triển và hội nhập” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
  • Logistics Việt Nam:  “Sân chơi” hấp dẫn nhưng khó chiếm lĩnh
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sức ép cạnh tranh đang buộc ngành logistics (giao nhận, vận tải) Việt Nam phải chuyển mình để bứt phá vươn lên khi Thủ tướng xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8-10%. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra là không nhỏ khi tiềm lực của các nhà cung cấp dịch vụ hạn chế, gánh nặng chi phí vẫn là vấn đề nan giải, kèm theo đó là sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan…
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư trong nhiều năm tới