Dự án BT đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn kiểm toán

(BKTO) - Là cửa ngõ chính phía Đông Bắc của TP.HCM để vào nội ô, cầu Sài Gòn cũ được xây dựng từ năm 1958, hoàn thành năm 1961 với chiều dài hơn 986 m, gồm 32 nhịp. Cầu được sửa chữa 3 lần vào các năm 1995, 1996, 1998. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội liên tục tăng cao, lưu lượng giao thông tại khu vực cửa ngõ của Thành phố đã đạt đến mức bão hòa, trong khi việc sửa chữa, nâng cấp cầu cũ không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi vậy, nhu cầu phải xây dựng thêm một cây cầu bên cạnh cầu Sài Gòn cũ là hết sức cấp bách. Theo đó, Dự án cầu Sài Gòn 2 ra đời (sau đây gọi tắt là Dự án).




Chuyển Dự án từ BOT sang BT

Đầu năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) đề xuất đầu tư xây dựng Dự án theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Với hình thức này, việc thu hồi vốn đầu tư Dự án sẽ được thực hiện bằng cách thu phí sau khi Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) kết thúc thu phí đường Điện Biên Phủ tại Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, đến năm 2013, dù đã kết thúc thời gian thu phí đường Điện Biên Phủ, CII vẫn tiếp tục thu phí tại trạm này với mục đích hoàn vốn cho việc mở rộng Xa lộ Hà Nội (hiện vẫn đang triển khai). Do khoảng cách từ cầu Sài Gòn 2 đến Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội chỉ là 4,5 km nên không thể đặt thêm trạm thu phí, đây là vướng mắc lớn khiến phương án đầu tư theo hình thức BOT khó thực hiện được.

Cuối tháng 06/2010, UBND TP. HCM quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ BOT sang BT. Ba đơn vị cùng đề nghị được tham gia thực hiện Dự án là PMC, CII và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1). Để triển khai Dự án, UBND TP. HCM đã thành lập Nhóm công tác liên ngành theo Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 28/01/2011, trong đó, Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) được giao nhiệm vụ nhóm trưởng, thành viên là đại diện các sở, ngành liên quan.
Nhóm công tác liên ngành của Thành phố đã thực hiện tuyển chọn nhà đầu tư Dự án. Trên cơ sở kết quả tuyển chọn, ngày 12/7/2011, UBND TP. HCM báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi, đầu tư Dự án theo hình thức BT, đồng thời ủy quyền cho UBND TP. HCM lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BT. Đến ngày 29/8/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1519/TTg-KTN phê duyệt yêu cầu này. Trên cơ sở hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư và kết quả đàm phán hợp đồng BT giữa Nhóm công tác liên ngành với CII, Sở GTVT đã báo cáo và được UBND TP. HCM chấp thuận tại Công văn số165/UBND-ĐTMT ngày 13/01/2012 về việc lựa chọn CII làm nhà đầu tư Dự án BT này. Đây chính là Dự án đầu tiên UBND Thành phố thực hiện đầu tư theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư là 1.495 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng và lãi trả chậm).

Quá trình thực hiện về cơ bản là tốt...

Theo kết quả kiểm toán của KTNN, trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án, UBND Thành phố, các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cơ bản thực hiện tốt chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng hiện hành. Cụ thể:

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua hồ sơ mời tuyển chọn nhà đầu tư Dự án theo hình thức BT. Việc đánh giá hồ sơ dự tuyển chọn, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đã tuân thủ, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BT thực hiện đúng quy định.

Nội dung, quy mô và giải pháp thiết kế của Dự án đã tuân thủ các quy chuẩn, phù hợp với chủ trương đầu tư và quy hoạch của TP. HCM. Nội dung, thiết kế cơ sở của Dự án bám sát mục tiêu, quy mô đầu tư. Tổng mức đầu tư được lập, thẩm định và phê duyệt đúng trình tự.

Quá trình khảo sát thực hiện tuân thủ theo đề cương, nhiệm vụ khảo sát được duyệt và phù hợp với tiêu chuẩn khảo sát, kết quả khảo sát đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Thiết kế lập phù hợp thiết kế cơ sở được duyệt. Tổng dự toán và dự toán được lập dựa trên các chế độ, chính sách của Nhà nước về định mức, đơn giá; khối lượng đưa vào dự toán cơ bản phù hợp với thiết kế, được thẩm tra, thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự.
DN thực hiện Dự án và các đơn vị có liên quan đã tuân thủ theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình được lập tương đối đầy đủ, được lưu trữ theo quy định.
Công tác quản lý tiến độ thi công công trình được quản lý và chỉ đạo thực hiện tốt, được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng sớm hơn 1 tháng so với cam kết (thông xe sớm hơn 04 tháng so với kế hoạch).

Về cơ bản, khối lượng được nghiệm thu thanh toán phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công, thực tế thi công xây dựng và quy định của hợp đồng. Công tác quản lý đơn giá và giá thanh toán tuân thủ theo hợp đồng đã ký, các chứng từ thanh toán được kiểm tra, xác nhận đầy đủ. Chi phí lãi vay được quy định cụ thể tại Hợp đồng BT, được tính toán chi tiết tại hồ sơ thanh toán. Công trình được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng quy định. Báo cáo quyết toán Dự án hoàn thành do nhà đầu tư lập đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế IFC, được Sở Tài chính TP.HCM thẩm định, trình UBND phê duyệt với giá trị được duyệt là 1.792 tỷ đồng.

... nhưng hạn chế vẫn còn nhiều

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình kiểm toán cũng cho thấy việc thực hiện Dự án vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, Thành phố tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư khi chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong quá trình đàm phán hợp đồng BT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 (có hiệu lực ngày 15/01/2012), theo đó, Hợp đồng BT của Dự án chưa được ký kết sẽ phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật lại theo các quy định của thông tư này. Tuy nhiên, Thành phố đã không đàm phán để điều chỉnh trước khi ký kết (ngày 09/3/2012). Ngoài ra, nhà đầu tư Dự án không thực hiện đúng điều khoản của hợp đồng BT về sử dụng vốn chủ sở hữu thành lập DN Dự án (thực tế là sử dụng vốn vay ngân hàng).

Thứ hai, UBND TP. HCM giao cho nhà đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là chưa phù hợp với quy định của Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung Dự án đầu tư được phê duyệt không đề cập đến phương án tài chính để làm cơ sở đánh giá các đề xuất về tài chính của nhà đầu tư cũng như để đàm phán, ký hợp đồng BT sau này. Vì vậy, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự tuyển chọn của các nhà đầu tư, Nhóm công tác liên ngành của Thành phố chỉ so sánh để lựa chọn giá đề xuất thấp nhất, chấp nhận các chỉ tiêu tài chính do nhà đầu tư được lựa chọn đề xuất (như lãi suất vay, lãi suất trả chậm, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu được khoán gọn, cố định suốt thời gian thực hiện Dự án).

Thứ ba, tổng dự toán công trình có các nội dung áp dụng định mức không phù hợp, làm tăng giá dự toán không hợp lý hơn 3,8 tỷ đồng. Công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán vẫn còn chưa đầy đủ, rõ ràng trong một số hạng mục; công tác bàn giao mặt bằng công trường chậm; quá trình thanh toán vẫn có một số sai sót về khối lượng và đơn giá với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Cần giảm giá trị quyết toán công trình và xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót

Từ những phát hiện trên, KTNN đã kiến nghị:

UBND TP. HCM cần giảm giá trị quyết toán, thanh toán vốn đầu tư Dự án số tiền 8,9 tỷ đồng, cụ thể: chi phí xây lắp công trình giảm 5,57 tỷ đồng, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu và lãi vay trong thời gian thi công của nhà đầu tư giảm 145 triệu đồng, chi phí lãi trả chậm trong 5 năm giảm 3,2 tỷ đồng;

Báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính về giao thời thực hiện Thông tư số 166/2012/TT-BTC ngày 17/11/2011 để thương thảo với nhà đầu tư BT về chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công (20,7 tỷ đồng) và xử lý đúng quy định, phù hợp với thực tế;

Xem xét, xác định trách nhiệm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót sau:

- Lựa chọn nhà đầu tư khi chưa có Báo cáo khả thi Dự án đầu tư được duyệt, chưa có phương án tài chính được duyệt làm cơ sở đánh giá các đề xuất về tài chính của nhà đầu tư cũng như để đàm phán, ký hợp đồng BT; không kiểm tra, đánh giá và yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ điều khoản Hợp đồng BT đã ký về góp vốn chủ sở hữu để thành lập DN Dự án.

- Áp dụng định mức chưa phù hợp, làm tăng giá dự toán gói thầu xây lắp chính không hợp lý hơn 3,8 tỷ đồng.

- Lập, kiểm toán báo cáo quyết toán Dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán Dự án hoàn thành còn để xảy ra các sai sót như KTNN đã phát hiện.

Đối với Sở GTVT và Nhóm công tác liên ngành của TP. HCM, KTNN đã đề nghị các cơ quan này tham mưu cho UBND TP. HCM trong việc xem xét, quyết định vấn đề điều chỉnh số liệu quyết toán, thanh toán vốn đầu tư hoàn thành của Dự án và đàm phán để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT số 01/2012/HĐ-BT ngày 09/3/2012 với nhà đầu tư Dự án theo số liệu mà KTNN đã nêu.

HOÀNG DUY TRUNG
Kiểm toán Nhà nước khu vực IV
Theo Đặc san Kiểm toán số tháng 10/2017
Cùng chuyên mục
  • Hội thảo thực hành việc giảng dạy kiến thức về thực hiện ISSAI
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Từ 30/10 đến 01/11, tại Hà Nội, Hội thảo “Kỹ năng giảng dạy” trong khuôn khổ Chương trình dài hạn của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á - ASEANSAI về thực hiện Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao - ISSAI (LTAPII) đã được tổ chức.
  • BT - qua kết quả và góc nhìn kiểm toán
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Cơ chế đầu tư BT đã bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém, dễ bị biến tướng và tạo cơ hội cho lợi ích nhóm. Những lỗ hổng pháp lý gây thất thoát trong quá trình đầu tư, thi công công trình, cùng với thất thoát từ các khu đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư khiến Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép”.
  • Chống thất thoát trong cơ chế  đầu tư BT bằng đấu giá đất
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đất từ việc “nở rộ” các dự án BT, chỉ ra nhiều lỗ hổng pháp lý khiến Nhà nước bị thua thiệt, thất thoát lớn, cũng như đóng góp những ý kiến, giải pháp để bịt các lỗ hổng pháp lý này.
  • Phát huy vai trò của Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trên mặt trận phòng, chống tham nhũng
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2016-2017, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, góp phần ngăn ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Kết quả này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan tham mưu và của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó có Đảng bộ KTNN.
  • Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong kiểm soát chất lượng kiểm toán
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã xác định mục tiêu “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”. Để đạt được mục tiêu này, Đảng ủy KTNN cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán một cách chặt chẽ và có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó góp phần gia tăng chất lượng kiểm toán, hạn chế thất thoát lãng phí, ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao hiệu quả của việc quản lý sử dụng ngân sách, tài chính công.
Dự án BT đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn kiểm toán