Kết quả kiểm toán góp phần phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng
Với bề dầy hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN ngày càng lớn mạnh và phát triển. Sự phát triển ấy luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy KTNN. Với mục tiêu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng uỷ KTNN đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng và lãnh đạo KTNN cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương thành các chương trình, kế hoạch, xác định trọng tâm, trọng điểm mục tiêu công tác trong từng năm, đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng uỷ đối với mọi hoạt động của KTNN luôn đúng hướng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Minh chứng là, tại Báo cáo Kiểm toán năm 2016 về niên độ NSNN năm 2015, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng; trong đó tăng thu 11.365 tỷ đồng; giảm chi 16.174 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.569 tỷ đồng; phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.104 tỷ đồng; xử lý khác 564 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong từng Báo cáo kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Cùng với đó, vừa qua, KTNN đã làm rất tốt công tác kiểm toán về: chuyển giá của những tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; biên chế, tiền lương, tổ chức cán bộ và các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường bộ; qua đó đã phát hiện những sai phạm, có những kiến nghị xử lý phù hợp. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Có thể thấy, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy KTNN, KTNN đã không ngừng hoàn hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, chú trọng tới việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán và không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, đóng góp những thành tựu quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Phòng chống tham nhũng - Trách nhiệm và quyết tâm chính trị
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân và đặt ra những thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Điều đó cũng đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của Đảng ủy KTNN trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành.
Để lãnh đạo toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực hơn nữa vào công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta, Đảng uỷ KTNN phải luôn quan tâm, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Việc kiện toàn phát triển tổ chức bộ máy của KTNN phải được gắn liền với việc kiện toàn phát triển hệ thống tổ chức đảng.
Đảng ủy KTNN phải biến quyết tâm chính trị, biến kỷ luật, kỷ cương trong Ngành thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên, công chức, viên chức. Trong đó, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, trong đấu tranh phát hiện sai phạm, phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa việc chủ động phát hiện của kiểm toán viên với kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời những sai phạm, tạo khích lệ cho kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ, có chính sách khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho những kiểm toán viên có thành tích cao trong công tác kiểm toán. Đồng thời, hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán phải luôn luôn được duy trì, hoàn thiện, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Một biện pháp khác là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan như Ban Thanh tra nhân dân, Công đoàn, Hội cựu chiến binh,…tại từng đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực; tuyên truyền văn hóa tiết kiệm, sống giản dị, liêm chính, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong toàn thể cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên và công chức, viên chức KTNN.
Trong từng thời kỳ khác nhau, KTNN phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá phù hợp với tình hình của đất nước để đưa ra những phương pháp kiểm toán, những cuộc kiểm toán phù hợp; tăng cường công tác tiền kiểm toán nhằm phát hiện và ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tiêu cực từ khi xây dựng và thực hiện chính sách.
Đấu tranh chống tiêu cực đã và đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách, sống còn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. Tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực Nhà nước mà còn có sự tiếp tay của khu vực ngoài Nhà nước. Những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực Nhà nước đã câu kết với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực Nhà nước. Do đó, trong bối cảnh và tình hình mới, rất cần sự tăng cường lãnh đạo, định hướng của Đảng ủy KTNN đối với toàn ngành trong việc nghiên cứu, từng bước mở rộng hoạt động kiểm toán ra ngoài khu vực Nhà nước thì việc phát hiện sai phạm mới đồng bộ, hiệu quả, công tác ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng mới được nâng lên, đáp ứng niềm tin của Đảng và sự kỳ vọng của nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị.
NGUYỄN HUY HOÀNG
KTNN khu vực IV