Với sứ mệnh góp sức vào sự phát triển giao thông đường sắt, trong lần đầu tham gia dự án giao thông lĩnh vực này, Đèo Cả đã khẳng định năng lực, uy tín khi chinh phục thành công gói thầu quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để Đèo Cả hiện thực hóa khát vọng nâng tầm đường sắt Việt trong tương lai...
Tháo gỡ “nút thắt cổ chai” đường sắt
Thông tin về dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Vũ Hồng Phương cho biết, Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1890/QĐ-BGTVT ngày 06/7/2010 và được điều chỉnh tại Quyết định số 3351/QĐ-BGTVT ngày 06/12/2027 để đàm phán, ký kết Hiệp định vay EDCF và điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 2215/QĐ-BGTVT ngày 27/11/2020.
Dự án gồm 2 gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I. Được biết Liên danh IlSung - Đèo Cả đã vượt qua 02 liên danh khác để trúng gói thầu này. Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.
“Dự án hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao năng lực tuyến đường sắt” - ông Phương cho biết.
Dự án đèo Khe Nét được xác định là “nút thắt cổ chai” trong tuyến đường sắt Bắc – Nam, sau khi hoàn thành sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh trong những năm tới, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sử dụng, nâng cấp để sử dụng có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện hữu, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ ngành, tích cực làm việc với các Nhà tài trợ, mà trực tiếp là Quỹ EDCF để huy động nguồn lực đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Việc hoàn thành các dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt thống nhất đoạn Vinh - Đồng Hới. Đồng thời, đây cũng là những dự án đầu tiên trên hệ thống đường sắt quốc gia được triển khai từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của tất cả các bên, dự án sẽ triển khai thành công và trở thành biểu tượng cho sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường sắt nói riêng, góp phần phát triển quan hệ ngoại giao tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước” – Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.
Thay mặt liên danh nhà thầu Ilsung - Đèo Cả - RCC, ông Lee Sang Hyun - Giám đốc điều hành Công ty xây dựng ILSUNG Hàn Quốc cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để thi công dự án đảm bảo: “An toàn, Chất lượng, Tiến độ và Bảo vệ môi trường” với tiến độ nhanh nhất; áp dụng các giải pháp quyết liệt nhất để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn.
Chọn việc khó để làm: Đèo Cả hiện thực hóa khát vọng nâng tầm đường sắt Việt
Thời gian qua, cùng các doanh nghiệp thành viên, Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia đầu tư xây dựng nhiều loại dự án hạ tầng giao thông như hầm đường bộ, cầu, đường cao tốc quan trọng của đất nước. Những công trình hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội của đất nước mà còn mang đến nhiều giá trị phát triển bền vững cho tương lai.
Với những kinh nghiệm trong việc tổ chức thi công các công trình giao thông có độ khó, phức tạp cao, Tập đoàn Đèo Cả luôn mang đến những công nghệ mới, kỹ thuật thi công hiện đại, tiên tiến để xây dựng các công trình. Đặc biệt, từng con người Đèo Cả luôn thể hiện trí tuệ, khát vọng, quyết tâm và truyền cảm hứng trong từng nhiệm vụ, đặc biệt là tại dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét.
“Tham gia một lĩnh vực mới, sự hiện diện của Đèo Cả khi trúng thầu quốc tế đã thể hiện rõ sự minh bạch, năng lực và cam kết của Đèo Cả” - Tổng Giám đốc Ngọ Trường Nam cho biết; đồng thời khẳng định, với kinh nghiệm 40 năm xây dựng các công trình giao thông phức tạp, Đèo Cả sẽ hiện thực hóa khát vọng hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam.
Việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được Đèo Cả xác định là hướng đi mới của tập đoàn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Để chuẩn bị nguồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản,… thông qua các trường như Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo.
Tháng 01/2024, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro, mở đầu cho chuỗi hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả tham gia phát triển nhân lực cho ngành giao thông, “đón đầu” và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt - metro.
Tiếp đó, tháng 3/2024, Đèo Cả hợp tác với Trường Đại học Đông Á thành lập Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả, trong đó phối hợp triển khai các khóa đào tạo kỹ sư thực hành đường bộ, đường sắt - metro đến các bậc sau đại học.
Tập đoàn Đèo Cả hướng tới mục tiêu thành lập Trường đại học Đèo Cả - định hướng là đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao, có năng lực “thực chiến” phục vụ ngành giao thông vận tải uy tín hàng đầu trong nước.
Đây là những bước chuẩn bị thể hiện tầm nhìn, khát vọng của Đèo Cả, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất để Đèo Cả chinh phục mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vùng và địa phương, góp phần mang đến điều kiện cải thiện cuộc sống cho người dân quanh vùng dự án./.