Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

(BKTO) - Các Bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

dn.jpg
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ST

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, ngày 19/3/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cuộc họp là bước tiếp theo để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật như phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, qua sơ kết, việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; quá trình triển khai một số cơ chế chính sách còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp; một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm, chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các chính sách, cơ chế đặc thù mang tính đột phá, có tính động lực, lan toả.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội để chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của mô hình chính quyền đô thị và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều 20/3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành như Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Lao động; Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Nghị quyết. Đồng thời tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể liên quan đến nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Trong đó gồm: chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (08 chính sách); Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm, bao gồm: Chính sách về quản lý đầu tư; chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan; chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách về tiền lương, thu nhập. Đại diện các sở, ngành liên quan của thành phố Đà Nẵng cũng đã trao đổi, làm rõ thêm các nội dung liên quan được đề xuất tại Dự thảo.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu cũng như sự quyết tâm, trách nhiệm của các sở ngành, liên quan của Đà Nẵng trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo. Đồng thời đề nghị thành phố Đà Nẵng nhanh chóng tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để gửi xin ý kiến theo quy định, đảm bảo đúng tiến độ để báo cáo các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo thời hạn.

Cần tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách mới, các giải pháp thực hiện chính sách và lý do lựa chọn chính sách, bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước; tạo ra động lực mới, đột phá để tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng