Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan: Mang lại hiệu quả tích cực

(BKTO) - Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La -Nho Quan, mở rộng 2 trạm biến áp 500kV tại Hòa Bình và Nho Quan nằm trong tổngthể quy hoạch lưới điện 500kV Quốc gia đã được phê duyệt. Sau thời gian thicông liên tục 24 tháng, dự án quy mô nhóm A này đã đi vào vận hành, mang lạihiệu quả cao.




Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan hoàn thành đưa vào vận hành đã góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ảnh: T.S

Thực hiện cuộc kiểm toán này, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền Bắc, kiểm toán giá trị chi phí đầu tư thực hiện dự án từ khi khởi công đến thời điểm 31/3/2012. Qua đó, KTNN xác định giá trị chi phí đầu tư thực hiện được kiểm toán là 2.013 tỷ 855 triệu đồng, đạt tỷ lệ 99,48% so với giá trị chi phí đầu tư thực hiện.

Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Từ năm 2008, dự án được chuyển giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư theo Quyết định 551/QĐ-EVN ngày 15/9/2008 của HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đầu mối làm đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA các công trình điện miền Bắc.

Dự án này được đầu tư với mục đích truyền tải điện năng từ các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc (đặc biệt là Nhà máy Thủy điện Sơn La) vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước. Triển khai dự án, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc đã thực hiện xây dựng đường dây 500kV có tổng chiều dài 286,86 km, bao gồm 3 đoạn. Trong đó, đoạn từ trạm biến áp 500kV Sơn La đến G57 là đường dây mạch kép dài 179,04 km; đoạn từ G57 đến trạm biến áp 500kV Hòa Bình là đường dây mạch đơn dài 28,96 km và đoạn từ G57 đến trạm biến áp 500kV Nho Quan là đường dây mạch đơn dài 78,86 km. Dự án còn thực hiện mở rộng trạm biến áp 500kV Hòa Bình thêm một ngăn lộ 500kV đi Sơn La và mở rộng trạm biến áp 500kV Nho Quan, lắp đặt thêm thiết bị cho ngăn lộ B03. Đồng thời, hệ thống thông tin liên lạc gồm 2 tuyến cáp quang độc lập (mỗi đường cáp quang có 24 sợi) cũng được xây dựng từ trạm biến áp 500kV Sơn La đến trạm biến áp 500kV Hòa Bình và trạm biến áp 500kV Nho Quan…

Các gói thầu xây dựng tuyến đường dây và mở rộng 2 trạm biến áp Hòa Bình, Nho Quan đã được khởi công vào đầu tháng 12/2008, sau khi Tổng giám đốc EVN đã ký Quyết định số 868/QĐ-EVN ngày 22/5/2008 phê duyệt tổng mức đầu tư hiệu chỉnh của Dự án là 2.600 tỷ đồng (tỷ giá 1USD = 16.000 VNĐ). Đến ngày 20/12/2010, Dự án đã hoàn thành đóng điện toàn tuyến.

Qua kiểm toán, KTNN xác định, về cơ bản chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã chấp hành theo các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các văn bản sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý đầu tư và xây dựng do Nhà nước ban hành. Công tác lập dự án và thẩm định dự án cũng được thực hiện theo đúng quy định, làm cơ sở để EVN phê duyệt dự án theo nội dung Quyết định số 673/QĐ-EVN-HĐQT ngày 21/11/2006. Cũng theo KTNN, chủ đầu tư đã lựa chọn các đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện công tác xác định hướng tuyến đường dây, khảo sát dọc tuyến và khảo sát địa chất tại các vị trí xây dựng cột với mục tiêu đảm bảo phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất tự nhiên và tiết kiệm chi phí đầu tư. Hồ sơ thiết kế chi tiết, thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục, tổng dự toán, dự toán chi tiết và các khối lượng phát sinh thuộc các gói thầu của dự án cơ bản được lập, thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo trình tự thủ tục quy định. Trong công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, Ban QLDA và các nhà thầu thi công đã thực hiện công tác nghiệm thu giai đoạn và nghiệm thu khối lượng các hạng mục công trình hoàn thành, các biên bản nghiệm thu có đại diện Ban QLDA, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế xác nhận theo quy định.

Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án, KTNN cho rằng, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, vận hành đã góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện năng cho khu vực các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong thời kỳ xây dựng và phát triển. Dự án đem lại hiệu quả cao về xã hội, cải thiện đáng kể môi trường kinh tế, khuyến khích đầu tư và từng bước nâng cao đời sống sinh hoạt cho một vùng dân cư rộng lớn. Đồng thời, dự án còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các khu vực trong hệ thống điện toàn quốc, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia kể cả khi xảy ra sự cố, góp phần tối ưu hóa chế độ vận hành hệ thống điện, củng cố và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cũng theo KTNN, chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện và quản lý dự án bước đầu đem lại những kết quả nhất định về mặt kinh tế. Tiêu biểu như việc lựa chọn vị trí, hướng tuyến đường dây và việc bố trí hệ thống móng, cột đỡ đường dây mạch kép dài khoảng 179,04 km trước khi phân thành 2 mạch đơn, theo đánh giá của các chuyên gia, là phù hợp và tiết kiệm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, thời gian thi công xây dựng tuyến đường dây thực tế chỉ khoảng 24 tháng là tương đối ngắn khi mà việc thi công tuyến đường dây phải đi qua nhiều loại địa hình khó khăn, phức tạp.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực trên, KTNN cũng chỉ ra một số điểm tồn tại trong công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán, đấu thầu, quản lý chất lượng công trình... Không ngoài mục tiêu nâng cao tính kinh tế, hiệu quả của dự án, đại diện của KTNN chuyên ngành V - đơn vị trực tiếp thực hiện cuộc kiểm toán này - cho biết, tất cả các kiến nghị mà KTNN đưa ra trong Báo cáo kiểm toán đã được chủ đầu tư, Ban QLDA khắc phục, đạt kết quả khả quan.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan: Mang lại hiệu quả tích cực