Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT: Kỳ cuối - Giải phóng mặt bằng, tái định cư còn bất cập

(BKTO) - Trong Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án được tách thành Dự án thành phần do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, sai sót trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án.



Đối với Dự án thành phần này, KTNN xác định chỉ kiểm toán các khoản chi phí đã quyết toán giữa chủ đầu tư và Hội đồng đền bù và kiểm toán trình tự thủ tục đền bù, văn bản áp dụng bồi thường. KTNN không xác định lại đơn giá đền bù, diện tích đất đền bù chi tiết từng hộ và diện tích đất tái định canh, định cư, số hộ được đền bù.

Theo đánh giá của KTNN, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án cơ bản thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ, cũng như Thông tư hướng dẫn và quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng. Đơn giá bồi thường đất và tài sản được thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng theo từng thời điểm. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, bồi thường các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây dựng các khu tái định cư được quản lý cơ bản theo đúng các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn và các quy định chuyên ngành về định mức và đơn giá.

Tuy nhiên, KTNN phát hiện và đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án còn nhiều bất cập. Đáng chú ý là việc hỗ trợ xây nhà tại khu tái định cư cho các hộ dân tộc thiểu số không phù hợp với quy định của Chính phủ và UBND TP. Đà Nẵng với số tiền 3,2 tỷ đồng. Khoản hỗ trợ này đã gây ra sự mất công bằng giữa người vào khu tái định cư tập trung và người tái định cư tự do (không được hỗ trợ khoản này).

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện tái định cư còn có sự thay đổi về thiết kế (chỉnh tuyến) nên một số trường hợp không thu hồi đất nữa, một số trường hợp do phê duyệt sai phải điều chỉnh dẫn đến phải thu hồi số tiền đã bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể, đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng, KTNN kiến nghị đơn vị phải trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh giảm giá trị bồi thường, hỗ trợ 540 triệu đồng, cũng như phối hợp với địa phương vận động các hộ dân hoàn trả số tiền gần 1,4 tỷ đồng và nhận lại đất để tiếp tục sản xuất.

Nếu gặp khó khăn do các hộ không hoàn trả lại tiền và nhận lại đất thì Trung tâm phải báo cáo UBND TP. Đà Nẵng tiếp nhận và quản lý các thửa đất trên đúng mục đích, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất về xử lý nguồn kinh phí đã chi trả. KTNN cũng kiến nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Phú Lộc phải thu hồi nộp trả nhà đầu tư hơn 94 triệu đồng, rút kinh nghiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt sai dẫn đến chi trả quá quy định cho các hộ dân, sai sót trong tính toán chi phí quản lý dự án, chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán.

Đối với Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Nam Đông, phải thu hồi nộp trả nhà đầu tư hơn 20 triệu đồng. Đồng thời, 2 Hội đồng này đều phải trình UBND huyện sở tại phê duyệt gia hạn tiến độ và ký phụ lục hợp đồng gia hạn tiến độ thi công các gói thầu xây dựng hạ tầng khu tái định cư.

Ngoài ra, KTNN cũng nêu rõ, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng chưa thực hiện đúng các quy định về công khai theo Điều 31 của Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Một số đơn vị chưa kịp thời điều chỉnh giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp có sự trùng lặp, sai số học, áp dụng sai định mức và do điều chỉnh diện tích đất thu hồi khi điều chỉnh tuyến.

Song song với đó, việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng các gói thầu xây dựng khu tái định cư cũng chưa kịp thời. Việc áp dụng đơn giá nhân công trồng rừng thay thế cũng không phù hợp với quy định hiện hành. Công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, hầu hết các khu tái định cư đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa hoàn thành, trong đó có 2 khu tái định cư tại Đà Nẵng chưa triển khai. Công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình tái định cư còn thiếu bảng tổng hợp khối lượng, nhật ký thi công ghi chép không đầy đủ.

Hơn nữa, theo kết luận của KTNN, đến thời điểm kiểm toán, UBND TP. Đà Nẵng chưa ban hành quyết định thay thế Quyết định 63/2012/QĐ-UBND mặc dù Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, trong đó có nhiều điểm khác so với Luật, Nghị định cũ. Việc chính sách của TP. Đà Nẵng chậm thay đổi đã ảnh hưởng nhất định đến công tác giải phóng mặt bằng do nhiều trường hợp người dân không đồng tình với các quy định tại Quyết định 63/2012/QĐ-UBND.

Do đó, đối với UBND TP. Đà Nẵng, KTNN kiến nghị, một mặt địa phương phải bố trí ngân sách địa phương trả lại nhà đầu tư nguồn vốn đền bù của Dự án (3,2 tỷ đồng) do hỗ trợ xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân tộc thiểu số không đúng quy định. Mặt khác, địa phương phải ban hành chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Đà Nẵng thay thế Quyết định 63/2012/QĐ-UBND để phù hợp với Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-30-2017
Cùng chuyên mục
Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT: Kỳ cuối - Giải phóng mặt bằng, tái định cư còn bất cập