Hoạt động kinh doanh đình trệ
Trước đó hai tuần, S&P đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế Israel từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Theo cơ quan này, Israel đang phải đối mặt với những rủi ro đáng kể về an ninh và địa chính trị, với khả năng xung đột lan rộng sang các khu vực khác.
Theo dự báo của S&P, tổng sản phẩm Quốc nội (GPD) của Israel trong quý 4 sẽ giảm mạnh 5% so với quý 3, do tất cả các thành tố đều giảm như xuất khẩu, nhập khẩu và nhu cầu trong nước. Mức thâm hụt tài chính của năm nay và năm sau sẽ là 5,3% GDP, gấp hai lần so với mức dự báo 2,3% GDP được đưa ra trước khi xảy ra xung đột.
Kinh tế Israel suy yếu do việc ngừng hoặc sụt giảm hoạt động kinh doanh trong nước, nhu cầu của người tiêu dùng và môi trường đầu tư không ổn định. Mặc dù S&P nhận thấy chi tiêu cho quân sự của Israel đang giảm dần qua từng tuần, nhưng về trung hạn, chi tiêu cho quốc phòng vẫn còn ở mức cao.
Theo báo cáo, S&P dự đoán kinh tế Israel đang có dấu hiệu xấu hơn dựa trên những động thái của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương nước này. Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Israel phải chứng kiến mức giảm trong thu nhập bình quân đầu người.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm này, phải đến cuối năm 2024, kinh tế Israel mới phục hồi trở lại mức trước xung đột và có thể đạt mức tăng trưởng kỳ vọng 5% vào năm 2025 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Về kịch bản "tích cực," S&P cho biết có thể khôi phục mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Israel từ "tiêu cực" sang "ổn định" nếu xung đột với Hamas được giải quyết, giảm rủi ro về an ninh tại khu vực và trong nước, đồng thời kinh tế và chi tiêu công không phải chịu thêm gánh nặng về dài hạn.
Hiện S&P chưa có kế hoạch hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel trong 12-24 tháng tới do khả năng tài chính và cán cân thanh toán của Israel khá lớn.
Tuy nhiên, nếu xung đột mở rộng đáng kể làm tăng rủi ro về an ninh và địa chính trị thì việc hạ bậc tín nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s và Fitch đều đã đưa Israel vào danh sách xem xét hạ bậc tín nhiệm, nhưng chưa có báo cáo chính thức.
Thiệt hại khoảng 600 triệu USD mỗi tuần
Trước đó, ngày 9/11, Ngân hàng Trung ương Israel cho biết tình trạng thiếu lao động do cuộc xung đột giữa nước này với Phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến nền kinh tế Israel thiệt hại ước tính 600 triệu USD/tuần, tương đương khoảng 6% GDP.
Báo cáo trên thống kê thiệt hại mỗi tuần trong 3 tuần đầu tiên của cuộc xung đột nổ ra từ ngày 7/10, từ đó kết luận sự sụt giảm nguồn cung lao động là do việc huy động quân dự bị, việc sơ tán cư dân ở miền Nam và miền Bắc, và việc đóng cửa hệ thống giáo dục khiến phụ huynh phải nghỉ việc trông con.
Cụ thể, báo cáo ước tính Israel thiệt hại 1,25 tỷ NIS (hơn 325 triệu USD) do tình trạng đóng cửa các cơ sở giáo dục, khoảng 590 triệu NIS do 144.000 cư dân sơ tán không đi làm và khoảng 500 triệu NIS do huy động khoảng 360.000 quân dự bị.
Ngân hàng Trung ương Israel lưu ý rằng việc mở cửa trở lại một phần hệ thống giáo dục trong những ngày gần đây có thể giúp giảm thiệt hại.
Sau khi bị Hamas tấn công bất ngờ, Israel đã đáp trả mạnh mẽ bằng chiến dịch tấn công trên không và trên bộ vào Dải Gaza, với cam kết "xóa sổ" lực lượng này.
Theo một phân tích mới của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng có thể khiến nền kinh tế của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây bị thụt lùi hàng thập kỷ.
Báo cáo của UNDP cảnh báo cuộc xung đột tới nay đã xóa sổ 61% việc làm ở Gaza và 24% việc làm ở Bờ Tây. Dự báo sau một tháng xung đột, GDP của Palestine sẽ giảm 4,2% so với ước tính trước xung đột. Con số thiệt hại khoảng 857 triệu USD. Nếu xung đột kéo dài đến tháng thứ hai, con số đó sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, khiến GDP thiệt hại khoảng 8,4%.