Kinh nghiệm kiểm toán, lập báo cáo quyết toán chi ngân sách địa phương tại Kho bạc Nhà nước

(BKTO) - Việc kiểm toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) và công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (BCQT) chi NSĐP tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện nay chủ yếu tập trung vào kiểm toán, đánh giá công tác kiểm soát chi thường xuyên, kiểm soát chi đầu tư của KBNN; công tác hạch toán kế toán các khoản thu, chi của NSĐP và công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm.

Đó là kinh nghiệm được các đơn vị kiểm toán chia sẻ mới đây. 

Theo các đơn vị kiểm toán, đối với kiểm toán công tác kiểm soát chi thường xuyên, các kiểm toán viên thường tập trung kiểm toán tuân thủ các điều kiện, thủ tục, quy trình mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan đơn vị; các khoản chi sự nghiệp sử dụng nhiều kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) như: chi sự nghiệp giao thông, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục… thông qua xem xét hồ sơ, bảng kê chứng từ có tại KBNN hoặc đề nghị kiểm tra, đối chiếu với các đơn vị sử dụng NSNN.

kb0.jpg
Các đơn vị kiểm toán cần lưu ý nhiều nội dung khi kiểm toán tại KBNN địa phương. Ảnh: TS

Công tác kiểm toán này chủ yếu nhằm đánh giá việc tuân thủ điều kiện chi NSNN của các khoản chi thường xuyên trong BCQT NSĐP. Tuy nhiên, vấn đề bất cập là Đoàn kiểm toán chỉ kiểm tra, đối chiếu được với các đơn vị dự toán cấp tỉnh, sử dụng ngân sách cấp tỉnh và không đối chiếu được với nhiều khoản chi do ngân sách cấp huyện thực hiện và KBNN cấp huyện kiểm soát chi.

Chẳng hạn như: chi thu gom, vận chuyển, xử lý rác; chi trồng và chăm sóc cây xanh đô thị; chi thay thế bóng đèn, bảo trì hệ thống chiếu sáng công cộng… Các khoản chi này đều do ngân sách cấp huyện đảm bảo. Vì vậy, đối với các khoản mục quyết toán chi thường xuyên liên quan đến các khoản chi nêu trên, Đoàn kiểm toán rất khó xác nhận về tính đúng đắn, trung thực do không thể kiểm toán hoặc kiểm tra, đối chiếu được.

Đồng thời, cũng theo các đơn vị kiểm toán, đối với kiểm toán công tác kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, các kiểm toán viên thường tập trung kiểm toán tuân thủ các điều kiện, thủ tục, mức vốn tạm ứng, thanh toán, thu hồi tạm ứng của các dự án đầu tư do các Ban Quản lý dự án chuyên ngành quản lý. Công tác kiểm toán này nhằm đánh giá việc tuân thủ điều kiện chi NSNN của các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản trong BCQT NSĐP.

Tuy nhiên, cũng giống như kiểm toán việc kiểm soát chi thường xuyên, kiểm toán việc kiểm soát chi đầu tư cũng có hạn chế là không đối chiếu được đối với nhiều khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản do ngân sách cấp huyện thực hiện và KBNN cấp huyện kiểm soát chi.

Do đó, khoản mục quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản trong BCQT chi NSĐP cũng rất khó xác nhận về tính đúng đắn, trung thực, do khoảng trên dưới 50% giá trị khoản chi này do ngân sách cấp huyện thực hiện và KBNN cấp huyện kiểm soát chi mà kiểm toán viên không thể kiểm toán hoặc kiểm tra, đối chiếu được.

kb1.jpg
Hoạt động của KBNN tại địa phương. Ảnh: TS

Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện lãnh đạo KTNN khu vực XIII cho biết, ngoài kiểm toán công tác kiểm soát chi, một trong những nội dung kiểm toán quan trọng là các kiểm toán viên phải kiểm toán tại KBNN. Cụ thể là kiểm toán việc hạch toán kế toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến thu, chi NSĐP bằng cách chọn mẫu kiểm toán chi tiết, đánh giá việc tuân thủ chế độ kế toán ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở để xác nhận các số liệu tổng hợp của BCQT NSĐP, vì nếu hạch toán kế toán các nghiệp vụ cụ thể mà sai, thì các mẫu biểu BCQT in ra từ hệ thống cũng không chính xác, không tin cậy.

Đối với công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm, kinh nghiệm được KTNN khu vực XIII đúc rút ra là các kiểm toán viên cần chú ý kiểm toán kỹ các khoản chi trong thời gian chỉnh lý quyết toán (từ 01/1 đến 31/1 năm sau). Theo quy định, trong thời gian chỉnh lý quyết toán chỉ thanh toán các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, khối lượng, công việc đã thực hiện từ ngày 31/12 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách.

Thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ, chứng từ chi ngân sách (kể cả thanh toán các khoản tạm ứng) theo chế độ quy định đến KBNN nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 25/1 năm sau. Sau thời gian này, KBNN chỉ chi chuyển nguồn, ghi thu - ghi chi trong NSNN và điều chỉnh số liệu quyết toán thu, chi NSĐP (căn cứ theo kết quả xét duyệt quyết toán hoặc kết quả thẩm tra BCQT ngân sách cấp huyện của Sở Tài chính; hoặc KBNN tự kiểm tra, rà soát và điều chỉnh về mặt hạch toán kế toán các khoản thu, chi NSĐP đã thực hiện).

Do đó, kiểm toán viên cần kiểm tra, so sánh số liệu thu, chi NSĐP tại thời điểm 31/1 năm sau với số liệu thu, chi ngân sách tại thời điểm địa phương lập BCQT NSĐP, làm rõ nguyên nhân các khoản chênh lệch và xử lý theo đúng quy định./.

Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm kiểm toán, lập báo cáo quyết toán chi ngân sách địa phương tại Kho bạc Nhà nước