Dự báo xâm nhập mặn xuất hiện sớm, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất

(BKTO) - Năm 2024, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng hiện chiếm hơn 50% giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước, được dự báo chịu xâm nhập mặn sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

dsc_6001.jpg
Năm 2024, xâm nhập mặn tại ĐBSCL được dự báo đến sớm. Trong ảnh, một hộ nuôi tôm ở Bến Tre ứng phó với xâm nhập mặn. Ảnh: N.Lộc

Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho biết, trong mùa khô năm 2023-2024, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C, nguy cơ làm gia tăng bốc hơi, tăng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng và vật nuôi.

Dự báo nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2023-2024 có khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm, nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, thực tiễn qua các đợt hạn, mặn lịch sử cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần được thực hiện sớm và phải coi trọng yếu tố phòng là chính. Các giải pháp cần áp dụng quyết liệt nhưng linh hoạt, phù hợp với đặc thù các địa phương.

Từ giữa tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; đồng thời, thành thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về cơ cấu thời vụ, diện tích canh tác, giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng bố trí thời vụ hợp lý, chủ động xuống giống sớm lúa đông xuân 2023-2024 từ tháng 10/2023 cho khoảng 400.000 hécta ở những vùng ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Sử dụng giống lúa ngắn ngày cho các vùng ảnh hưởng hạn, mặn. Các điện tích còn lại thực hiện trong tháng 11-12/2023 và kết thúc xuống giống cho toàn vùng trước 10/01/2024.

Rà soát, có kế hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản tại những vùng nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. 

Theo dự báo, ĐBSCL có khoảng 100.000 hécta diện tích cây ăn trái và đất canh tác lúa bị ảnh hưởng do đợt hạn hán, xâm nhập năm 2024. Diện tích cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng là khoảng 43.000 hécta, thuộc 4 tỉnh Long An (huyện Tân Trụ), Tiền Giang (huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây), Bến Tre (Châu Thành, Mỏ Cày Nam – Bắc và một phần Chợ Lách), Sóc Trăng (huyện Kế Sách, Long Phú) cùng với khoảng 60.000 hécta diện tích lúa khu vực ĐBSCL cũng có nguy cơ tương tự.

Các địa phương cần đẩy nhanh thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, kết nối mạng liên thông, tăng khả năng chống chịu, chia sẻ và hỗ trợ cấp nước giữa các công trình; nâng cấp, mở rộng, tăng khả năng khai thác nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm. 

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân về sử dụng nước tiết kiệm. 

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần có giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Các địa phương cần rà soát tất cả các hộ dân để đảm bảo không có hộ nào thiếu nước, đồng thời đảm bảo tích trữ đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hạn mặn là hiện tượng lặp lại hàng năm và đòi hỏi có quy trình xử lý dài hạn. Trong đó, phải tính đến phương án đầu tư thêm cống ngăn mặn và cửa sông lớn như Hàm Luông, Cổ Chiên để kiểm soát mặn rộng hơn. Những công trình này cũng phải hỗ trợ bảo vệ môi trường, đồng thời ngăn chặn sụt lún và ngập lụt tại các đô thị... 

dsc_5344.jpg
Xâm nhập mặn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất ở vùng ĐBSCL. Ảnh: N.Lộc

Năm 2021, qua thu thập thông tin để triển khai Cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Kiểm toán nhà nước cho biết, tại khu vực ĐBSCL, tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại 509.804 hécta diện tích cây trồng, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; 1.509.528 hécta đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì; trữ lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn ước tính 770 tỷ đồng. 

Theo Cục Thủy lợi, đợt hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng năm 2020 khiến các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp; Chính phủ phải chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ ứng phó.

Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 hécta lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 hécta lúa gieo sạ ngoài lịch bị chết héo, hơn 10.000 hécta cây ăn quả, 14.000 hécta dừa cùng 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại. 

Cùng chuyên mục
Dự báo xâm nhập mặn xuất hiện sớm, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất