(BKTO) - Tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Đông Bắc ngày 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Không chỉ dịch bệnh COVID-19 hiện nay mà tương lai sẽ còn những dịch bệnh khác, vì vậy du lịch phải an toàn.




Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội DN du lịch, lữ hành, khách sạn để sự liên kết phát triển du lịch TPHCM và Vùng Đông Bắc đi vào thực chất - Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện TPHCM liên kết phát triển du lịch với các vùng trong cả nước, góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Nhận rõ điểm yếu

Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch vùng là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, quảng bá du lịch các địa phương nhằm thúc đẩy người dân đi du lịch trong nước, góp phần xây dựng thị trường du lịch trong nước an toàn, bền vững và là tiền đề để tạo ra các sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, có chất lượng nhằm chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp (DN) du lịch đã thảo luận về những giải pháp, định hướng mới trong phát triển du lịch tập trung vào các nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.

Vùng Đông Bắc được đánh giá là khu vực sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước, cả về tự nhiên lẫn các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Tuy nhiên, sức tăng trưởng du lịch vùng Đông Bắc mới chủ yếu tập trung ở những địa phương có lợi thế lớn về thu hút đầu tư du lịch như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Các tỉnh còn lại chủ yếu khai thác lợi thế tự nhiên, chưa có chiến lược đầu tư, phát triển du lịch quy mô, bài bản, nên hiệu quả về thu hút khách và doanh thu chưa cao. Năm 2019, trong khi Quảng Ninh đón 14 triệu lượt khách thì Tuyên Quang mới đón được 1,94 triệu lượt khách, Bắc Giang đón 2 triệu lượt khách, Bắc Kạn đón trên 530.000 lượt khách.

Đặc biệt, mặc dù TPHCM được xem là thị trường khách nội địa lớn nhất cả nước, song việc thu hút du khách đến từ thị trường này vẫn bị xem là điểm yếu của vùng Đông Bắc trong nhiều năm qua, do bất lợi về giao thông và thiếu sự liên kết giữa các địa phương để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp đủ hấp dẫn đối với du khách đến từ miền Nam.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Kết bè vượt bão

Đại diện những DN du lịch lữ hành, nghỉ dưỡng lớn đều cho rằng trong bối cảnh hiện tại khi đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành du lịch, làm suy yếu nguồn lực của tất cả các DN nói riêng và ngành du lịch nói chung thì dù có môi trường du lịch hấp dẫn, có sản phẩm, dịch vụ tốt, một địa phương hay một DN du lịch không đủ để tạo nên sức mạnh đột phá giúp hồi sinh thị trường du lịch hay tạo nên đà tăng trưởng tốt cho một địa phương, một vùng hay một đất nước. Do vậy, câu chuyện liên kết và làm sao để thắt chặt liên kết lúc này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để tạo bàn đạp cho du lịch “vượt bão”, từng bước vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bản thân các DN cũng đã tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để “làm mới” bằng việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống nhằm đón đầu xu hướng du lịch mới, đồng thời tích cực liên kết với các doanh nghiệp và các địa phương để tạo nên sức mạnh “kết bè vượt bão”. Sự chuyển hướng này đã bước đầu đem đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch.

Để chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc thành hiện thực, đi vào thực chất và bền vững lâu dài, các DN du lịch đề xuất xây dựng cơ chế Trưởng nhóm luân phiên, trong đó những địa phương có ưu thế mạnh nhất vùng về du lịch sẽ đứng đầu, xây dựng kế hoạch và dẫn dắt toàn vùng phát triển du lịch theo định hướng từng năm.

Nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm lưu niệm mang đặc thù riêng phù hợp với thị hiếu, tính cách của khách miền Nam.

Tổ chức triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Vùng Đông Bắc định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần tại TPHCM, giới thiệu những điểm đến tiêu biểu, các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn và những đặc sản tiêu biểu của Vùng Đông Bắc đến với du khách TPHCM.

Ngoài ra, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp của TPHCM và các tỉnh vùng Đông Bắc cần nghiên cứu để triển khai các chiến dịch tour song phương trao đổi khách với sự hợp tác liên kết của các công ty du lịch của hai vùng.

Nguyên tắc liên kết giữa TPHCM và 8 tỉnh Đông Bắc sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện, có kế hoạch cụ thể, không hạn chế về quy mô, lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của các tỉnh, thành phố nói chung và mỗi địa phương nói riêng.

Trong quá trình liên kết, các tỉnh, thành phố tham gia bảo đảm đồng thuận, phát huy vai trò chủ động, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau, tạo hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, DN tham gia hợp tác để khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng Đông Bắc cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú. Đồng thời, phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần triển khai chương trình du lịch an toàn.
Ảnh: VGP/Đình Nam

Du lịch phải an toàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hiệp hội DN du lịch, lữ hành, khách sạn để sự liên kết phát triển du lịch TPHCM và Vùng Đông Bắc đi vào thực chất.

Theo Phó Thủ tướng, lâu nay chúng ta đã nói đến kinh tế vùng, vùng kinh tế trọng điểm nhưng đều thiếu cơ chế, cách thức vận hành hiệu quả. Vì vậy, dù có nhiều thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch nhưng các địa phương còn cần phải nỗ lực, cố gắng trong phối hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn qua các liên kết về du lịch giữa TPHCM và các vùng với nhau, nhằm tận dụng thế mạnh, bổ trợ cho nhau, không chỉ trong nội vùng mà cả khi có sự tham gia của “đối tác bên ngoài” có tạo ra sức mạnh mới hay không. Với sự liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành với TPHCM liên kết với các vùng, miền cả nước không chỉ trong phát triển du lịch mà còn thúc đẩy, sự phối kết hợp một cách thực chất giữ các địa phương”, Phó Thủ tướng nói và mong việc liên kết, hợp tác này liên tục được duy trì, có sự đánh giá, nhìn nhận, thúc đẩy.

Từ sáng kiến của TPHCM, các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng…, đặc biệt là Bộ VHTT&DL sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn. “Người dân cho nụ cười, chính quyền tạo môi trường thật tốt cho DN thuận lợi đầu tư, kinh doanh thì du lịch nói riêng, kinh tế nói chung sẽ phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong phát triển du lịch nói riêng, nhất thiết phải gìn giữ cho được những tài nguyên du lịch vô giá. Từng địa phương phải có bước đi rất bài bản, “nếu chưa làm được, chưa chắc chắn thì tạm lui lại”, vì đều phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các tiềm năng thì không chỉ cần tiền bạc, mà cần cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của các tập đoàn lớn, các đối tác, tổ chức quốc tế. Mặt khác, ngành du lịch cần cố gắng, nỗ lực khắc phục những bất cập trước đây đã làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, di sản.

Khẳng định du lịch thông minh là hướng phát triển rất quan trọng, Phó Thủ tướng cho rằng ngành du lịch, các địa phương phải tận dụng tối đa công nghệ để số hoá mọi tài nguyên, sản phẩm du lịch, từ các điểm đến, danh thắng, di tích, nhà hàng đến những hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử… “Đây là công việc rất lớn, chúng ta phải cùng nhau làm và thật nhanh mới tận dụng dụng được thời cơ khi khách du lịch quốc tế quay trở lại”.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để du lịch hồi phục vững chắc thì nhất định phải an toàn. Tất cả các cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cập nhật đầy đủ định kỳ theo thời gian thực lên bản đồ chống dịch (www.antoancovid.vn). “Dịch COVID-19 còn kéo dài , ít nhất 1 năm nữa. Hết dịch này thì tương lai sẽ còn những dịch bệnh khác, đây là lúc chúng ta phải siết lại”, Phó Thủ tướng nói.

Theobaochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
  • Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động số 362/CTr-UBND ngày 17/01/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
  • Vĩnh Phúc phát triển sự nghiệp y tế và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2020 đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã cố gắng vượt qua, thực hiện tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu quốc gia về y tế.
  • Phòng, chống tác hại thuốc lá:  Phải thực sự quyết liệt hơn nữa
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, thuốc lá có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người hút và những người hút thuốc thụ động (hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá). Thế nhưng, do ý thức chủ quan của một bộ phận người dân nên tình trạng hút thuốc lá không đúng nơi quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.
  • Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong điều kiện NSNN khó khăn, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục bất cập, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020, huy động đủ nguồn lực thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.
  • Startup Việt và ước mơ IPO:  Khó khăn còn nhiều phía trước
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là mục tiêu DN hướng tới với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. Đây được coi là cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho DN thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính - chứng khoán cho rằng, con đường IPO hiện vẫn là thách thức đối với các DN nhỏ và vừa (SMEs) và càng thách thức hơn với các DN khởi nghiệp (startup).
Du lịch phải an toàn