Dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2022 đạt trên 283.000 tỷ đồng

(BKTO) - Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2022 đạt trên 283.000 tỷ đồng với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

phien-hop.jpg
 Quang cảnh Phiên họp thường kỳ của Hội đồng quản trị NHCSXH quý IV/2022. Ảnh:vbsp.org.vn

Thông tin tại Phiên họp thường kỳ của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quý IV/2022 cho biết: Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 297.000  tỷ đồng, tăng 40.818 tỷ so với năm 2021; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 30.602 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2022 đạt trên 283.000 tỷ đồng với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Đặc biệt, NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đến ngày 31/12/2022, toàn hệ thống thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 16.000 tỷ đồng; giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất hơn 93.000 tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 879.000 lao động, giúp trên 7.500  lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 70.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho gần 86.000  hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 1.100 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho gần 155.000 người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng gần 1,5 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 1.600  căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, trên 11.200 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…

Kết quả này góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH yêu cầu hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội theo các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách.

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023 hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và kịp thời hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng…/.

Cùng chuyên mục
Dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2022 đạt trên 283.000 tỷ đồng