Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Đón chờ phản biện xã hội để hoàn thiện

(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố lấy ý kiến Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (Chương trình). Trước ý kiến băn khoăn liên quan đến tính khả thi của Chương trình, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên của Chương trình đã có cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán để làm rõ thêm một số nội dung đang được dư luận xã hội quan tâm.




Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.Ảnh: PHỐ HIẾN
Dự thảo Chương trình vừa được ban hành để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Là Tổng Chủ biên Chương trình, Giáo sư có thể cho biết những điểm mới của Dự thảo so với chương trình hiện hành?

- Dự thảo Chương trình có nhiều điểm mới. Đầu tiên có thể kể đến là sự thay đổi trong phương pháp xây dựng Chương trình. Chúng tôi áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược”, tức là từ chuẩn đầu ra, xác định những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Điểm mới tiếp theo là Chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Chương trình lần này đã có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

Đáng chú ý, hệ thống các môn học của Chương trình được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn…

Do có tính mở, tính cập nhật nên Chương trình được xây dựng lần này không quy định cụ thể số giờ học trong từng môn mà quy định số tiết/năm. Số giờ học từng môn do trường xây dựng, điều chỉnh để phù hợp tình hình dạy học. Với những thay đổi đó, tôi tin rằng chúng ta có quyền kỳ vọng về một sự đột phá trong giáo dục. Dĩ nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được đóng góp ý kiến để hoàn thiện thêm cho Chương trình.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là chất lượng đội ngũ giáo viên của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong Chương trình mới, thưa Giáo sư?

- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn. Chương trình này vừa là văn bản quy định, vừa là cam kết của Nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất theo Chương trình mới, một mình ngành giáo dục không đủ, mà Chính phủ phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, các địa phương cùng chung sức và phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để chú trọng đầu tư.

Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian chuẩn bị Chương trình mới, Bộ trưởng sẽ làm việc với từng địa phương xem công việc chuẩn bị tại các địa phương ra sao để từ đó hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện. Hiện Bộ đang rà soát danh sách thiết bị tối thiểu và chúng tôi được giao xây dựng văn bản bổ sung, sửa đổi danh sách các thiết bị nhằm phục vụ cho việc thực hiện Chương trình.

Vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay, đó là năng lực của giáo viên. Căn cứ theo Chương trình, trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp.

Hiện Bộ cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo các trường sư phạm; có chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp.

Sau khi công bố, Dự thảo Chương trình đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội, đặc biệt là các chuyên gia giáo dục. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này ra sao?

- Trong nghiên cứu, đặc biệt là đối với những vấn đề có tác động trực tiếp, sâu rộng đến xã hội như lĩnh vực giáo dục, việc phản biện là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đã cố gắng làm với tâm huyết và trách nhiệm, nhưng cũng không thể khẳng định là Chương trình đã đạt kết quả như mong muốn.

Hơn nữa, Chương trình vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, việc đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện Chương trình là quyền, là trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà và với con em chúng ta. Là người làm công tác nghiên cứu, chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến đóng góp, nhất là các ý kiến góp ý của chuyên gia trên tinh thần xây dựng để cùng hướng tới mục tiêu chung.

Theo kỳ hạn đặt ra, từ năm học 2018-2019, bậc phổ thông sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Thời hạn hơn 1 năm chuẩn bị không phải là nhiều. Các công việc cần làm rất dày đặc và Bộ cũng đang lên kế hoạch triển khai công việc ưu tiên làm trước. Nhưng trước hết, Chương trình mới khi chính thức công bố được xã hội đón nhận thì chúng ta mới “chạm” được tới những việc cần làm tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Tạo đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trực tiếp trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã phần nào giải đáp những băn khoăn, bức xúc của đại biểu Quốc hội và cử tri với những giải pháp nhằm khắc phục bất cập, tồn tại trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm cho thanh niên…
  • Chung tay cải thiện môi trường không khí
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ô nhiễm không khí được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, chất lượng không khí ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội đang trong tình trạng báo động.
  • Gỡ khó cho hoạt động thi hành án dân sự
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nội dung bản án còn thiếu tính khả thi, sự chây ì của đương sự nhằm trốn tránh trách nhiệm phải thi hành án, sự phối hợp của các cơ quan liên quan còn hạn chế… là một số khó khăn làm cho hiệu quả thi hành án dân sự (THADS) chưa đạt yêu cầu trong thời gian qua.
  • Lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế:  Vẫn đáng lo ngại
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2016, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) bị lạm dụng, trục lợi là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT gia tăng đột biến. Mặc dù ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có nhiều biện pháp ngăn chặn quyết liệt, song báo cáo quý I/2017 của BHXH Việt Nam cho thấy đây vẫn là vấn đề đáng lo ngại…
  • Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:  Chủ trương đúng nhưng hiệu quả chưa cao
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện Đề án này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Đón chờ phản biện xã hội để hoàn thiện