Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cần thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật hiện hành

(BKTO) - Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều nay (15/11) về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN trong Dự thảo Luật cho phù hợp, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.



                
   

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín phát biểu tại nghị trường Quốc hội - Ảnh: ST

   
Dành phần lớn thời gian thảo luận để phân tích quy định trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và Thanh tra nhà nước, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu quan điểm: Khoản 1, Điều 21 của Dự thảo Luật quy định “KTNN thực hiện kiểm toán đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan”. Tôi nhận thấy quy định này chưa thể hiện đầy đủ và thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật KTNN và Luật NSNN năm 2015 về phạm vi, trách nhiệm của KTNN trong lĩnh vực thuế.

Theo đại biểu, đối tượng của KTNN theo khoản 1, Điều 118 Hiến pháp, Điều 4 của Luật KTNN là “Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Khoản 4 Điều 14 của Luật NSNN 2015 quy định “ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước…” mà NSNN lại thuộc tài chính công (quy định tại khoản 10, Điều 3, Luật KTNN năm 2015). Vì vậy, để kiểm tra việc thu thuế của cơ quan thuế có đúng, đủ theo quy định của pháp luật hay không, KTNN phải xem xét, kiểm tra nghĩa vụ của người nộp thuế.

“Nếu quy định như Dự thảo Luật thì mới thể hiện được vai trò của KTNN đối với hoạt động của cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản do Nhà nước cấp chứ chưa bao quát đầy đủ phạm vi, trách nhiệm của KTNN đối với các hoạt động liên quan đến thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng tinh thần của Hiến pháp”- đại biểu Tín nêu rõ.

Cũng theo đại biểu Tín, qua thực tế nghiên cứu báo cáo kiểm toán NSNN của KTNN từ năm 2016 đến nay cho thấy tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN. Vì vậy, năm 2016, KTNN xác định và kiến nghị số phải thu hồi, nộp NSNN tăng thêm là 2.060 tỷ đồng; năm 2017 là 1.351 tỷ đồng và 9 tháng năm 2018 là 1.769 tỷ đồng. Ngoài ra, qua các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý, hoàn Thuế Giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và các Chi cục Thuế tại một số tỉnh, thành phố, KTNN đã kiến nghị xử lý sai phạm trong việc hoàn thuế và đề nghị thu hồi nộp NSNN 1.396 tỷ đồng.

Vì vậy, để Dự thảo Luật thể hiện một cách đầy đủ, rõ ràng phạm vi, trách nhiệm của KTNN đối với các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ của người nộp thuế, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế, đại biểuVõ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định cho phù hợp, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Liên quan đến quy định tại khoản 2, Điều 21 Dự thảo Luật quy định: “Đối với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này”. Tương tự tại khoản 2, Điều 22 quy định: “Đối với kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước khi thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này”.

Phân tích về quy định này, đại biểu Võ Đình Tín chỉ rõ: Quy định như trên là không thống nhất với Luật KTNN, Luật Thanh tra Nhà nước. Theo đó, cơ quan quản lý thuế cũng là một trong những đối tượng được kiểm toán theo Điều 55 của Luật KTNN. Do đó nếu quy định cơ quan quản lý thuế thanh tra, kiểm tra lại kiến nghị của KTNN, kết luận của Thanh tra Nhà nước là không thống nhất với quy định của Luật KTNN.

Mặt khác, quy định như vậy cũng mâu thuẫn ngay trong nội tại giữa khoản 1 với Khoản 2 của Điều 21 và giữa Khoản 1 với Khoản 2, Điều 22 của Dự thảo Luật. Bên cạnh đó quy định tại Khoản 2, Điều 21 Dự thảo Luật cũng không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN, không thống nhất với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán của KTNN tại khoản 1, Điều 7 Luật KTNN.

“Theo tôi trong trường hợp chưa thống nhất với kết luận của KTNN thì cơ quan quản lý thuế có thể kiến nghị hoặc khiếu nại với KTNN hoặc Thanh tra Nhà nước nếu có cơ sở xác định kết luận đó là không đúng hoặc thiếu chính xác”- đại biểu Tín nói và đề nghị Ban soan thảo nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung khoản 2, Điều 21 Dự thảo Luật như sau: KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành theo quy định của Luật KTNN.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những chuyển biến và kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc hoàn thiện thể chế về PCTN, cần nhận diện đầy đủ và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán, thu hồi tài sản tham nhũng… để thực sự nâng cao hiệu quả công tác này.
  • Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần tôn trọng luật pháp
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế… Tuy nhiên, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước vẫn là một trong những “điểm vướng” trong Dự thảo Luật, khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
  • Cơ quan thuế không thể thanh tra, kiểm tra lại kết luận  của Kiểm toán Nhà nước
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trích ý kiến của đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại Phiên họp tổ ngày 12/11
  • Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 14/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay (14/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, với 90,31% đại biểu Quốc hội tán thành.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cần thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật hiện hành