Đưa hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thành nhiệm vụ thường xuyên, kịp thời

(BKTO) - Ngày 20/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

201220221145-dsc_7973.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 là một bước quán triệt và cụ thể hóa nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 843 của UBTVQH, của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, hướng dẫn cụ thể một bước nội dung để tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong nhận thức thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định rõ việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Cùng với các hoạt động giám sát khác đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát.

Trong đó đã xác định trọng tâm là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Qua đó, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời phát hiện những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện, nhất là những hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục, quy trình, cách thức tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật để công tác này được thực hiện bài bản, thường xuyên, nền nếp, thống nhất và có chất lượng, hiệu quả hơn; gắn bó chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo của Văn phòng Quốc hội về một số nội dung chính của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15; đồng thời, nghe các Báo cáo tham luận của đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… về các vấn đề liên quan đến nội dung của Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu, vì vậy, việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật là hết sức quan trọng.

Đánh giá thực trạng thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng Nghị định quy định những vấn đề mà trong Luật không đặt ra, hoặc quy định vượt ra khuôn khổ quy định của pháp luật, hoặc sai các quy định của pháp luật; một số văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng điều chỉnh cả những văn bản quy phạm pháp luật…

Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Tư pháp đã kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời, vẫn coi nhẹ vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Những vi phạm trong lĩnh vực văn bản như chậm tiến độ, quy định các vấn đề chồng chéo, sai quy định pháp luật… vừa gây cản trở, ách tắc, vừa gây lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực, thậm chí liên quan tới tham nhũng, tiêu cực. Có lỗi là vô tình, có lỗi là cố ý, mà cố ý chính là tham nhũng chính sách. Chúng ta phát hiện kém nhưng lại xử lý không nghiêm” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

201220221144-dsc_7923(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau Hội nghị này phải có thông báo Kết luận của Hội nghị về những việc cần làm, một mặt quán triệt tinh thần của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, một mặt phải thống nhất về nhận thức, cách thức hành động để tổ chức thực hiện.

“Người làm công tác giám sát không làm tốt thì cũng bị xem xét trách nhiệm. Việc tổ chức Hội nghị hôm nay để thống nhất nhận thức như thế. Luật pháp là để kiến tạo và phát triển, ban hành có tốt đến mấy mà việc thực thi pháp luật không nghiêm thì đất nước không thể phát triển được” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài giám sát thường xuyên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu có thể tổ chức giám sát theo chuyên đề như phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, có thể đưa giám sát của UBTVQH, của Quốc hội theo chuyên đề, phân công cơ quan thường trực và thành lập Đoàn giám sát thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị năm 2023 cần tăng cường thực hiện vấn đề này, đồng thời cần lưu ý đối tượng giám sát không phải chỉ riêng từng luật mà còn liên quan đến trách nhiệm của cơ quan được giám sát trong lĩnh vực cụ thể, hoặc thực hiện các kết luận, kiến nghị liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 560, đưa vào Chương trình giám sát hàng năm để tập trung thực hiện tốt công tác giám sát và tổ chức thực thi pháp luật đối với những lĩnh vực được phân công phụ trách và những vấn đề được UBTVQH giao. Đây là trách nhiệm thường xuyên và phải kịp thời, mang tính chủ động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Ngay từ bây giờ, các cơ quan cần chuẩn bị thực hiện tốt việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 từ những ngày đầu năm. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cụ thể hóa thành kế hoạch hàng tháng, hàng quý để có cơ sở tổng hợp kết quả giám sát cả năm 2023, báo cáo UBTVQH và Quốc hội.

Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hội nghị này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy, tạo động lực cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH hoàn thành tốt chức năng giám sát nói chung và giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, góp phần vào thành tựu chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Quốc hội./.

Cùng chuyên mục
Đưa hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thành nhiệm vụ thường xuyên, kịp thời