Đưa hoạt động khắc phục hậu quả quả bom mìn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam - khi dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ tới năm 2025, sáng 17/02, tại Hà Nội.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

   

Ngân sách nhà nước đã ưu tiên tốt nhất cho khắc phục hậu quả bom mìn

Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhận định, 10 năm qua,NSNN đã quan tâm, ưu tiên tốt nhất có thể, trong điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn bố trí nguồn lực khá lớn cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Việt Nam cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội và đặc biệt là huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, Nga… và các tổ chức quốc tế, các cá nhân đã thực hiện thành công ở Việt Nam.

Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí cho công tác này là hơn 12.000 tỷ đồng, gồm ngân sách trong nước hơn 10.000 tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.

Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh.

Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504), công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng.

Việt Nam thực hiện đầy đủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đồng thời tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn do Việt Nam khởi xướng và chủ trì đã được đánh giá rất cao.
                
   

Thủ tướng động viên cán bộ Trung tâm hành động phòng chống bom mìn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Chính phủ

   

Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm về lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác khắc phục hậu quả bom mình và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Nâng cao năng lực toàn diện cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và hệ thống cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn tại các địa phương…

Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ trong rà phá bom mìn, nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom mìn một cách chủ động, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Cần khẩn trương điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan tới khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh...

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện Chương trình 504. Xây dựng Dự thảo Pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để trình cấp có thẩm quyền.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai vận động, tổ chức tiếp nhận các nguồn tài trợ, bảo đảm mục tiêu, tiến độ thực hiện kế hoạch tới năm 2025 một cách minh bạch, công khai, dân chủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án thuộc Chương trình 504 vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ quốc tế; xây dựng chính sách thu hút ODA cho thực hiện Chương trình 504.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các hoạt động khắc phục hậu quả quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cân đối ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình 504 thuộc nhiệm vụ chi của địa phương./.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Đưa hoạt động khắc phục hậu quả quả bom mìn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương