Đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài: Cần thiết nhưng phải đảm bảo hiệu quả

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã xây dựng Dự thảo “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025”. Đây là hướng đi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động song theo các chuyên gia, việc dự kiến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện Đề án đòi hỏi phải có sự tính toán phù hợp, tránh tình trạng kinh phí bỏ ra lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp.



Nâng số lượng lao độngcó chuyên môn kỹ thuật

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 3 năm qua (2014-2016), mỗi năm Việt Nam đều đưa được khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, phần lớn là lực lượng lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước đầu thực hiện chương trình đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài. Chẳng hạn, từ khi triển khai Thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Vivantes (tháng 4/2015), Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã thực hiện kế hoạch tuyển chọn, đào tạo 3 khóa ứng viên tham gia chương trình đưa lao động Việt Nam sang học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng và chăm sóc người già tại Đức.

Kết quả đã có 76 học viên của Khóa 1 xuất cảnh sang Đức vào tháng 10/2016; 82 học viên Khóa 2 đã hoàn thành khóa đào tạo tiếng Đức 12 tháng tại Việt Nam, dự kiến sẽ xuất cảnh vào đầu tháng 10/2017 và 175 ứng viên mới trúng tuyển Khóa 3 sẽ bắt đầu tham dự khóa đào tạo vào đầu tháng 9 này. Tương tự, Việt Nam cũng đã đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc với mức thu nhập khá.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhận định, đưa lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao đi xuất khẩu lao động không chỉ giúp giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, cùng với việc ký kết và triển khai các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Dự thảo “Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025” với mục tiêu đưa hơn 57.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và một số quốc gia cần lao động kỹ thuật.

Đề án được chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, Việt Nam dự kiến đưa hơn 18.000 lao động sang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc trong các ngành: điều dưỡng, chăm sóc người già và người bệnh, hộ lý, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học, cơ khí, hàn, đầu bếp, khách sạn - nhà hàng giai đoạn 2018-2020 và tiếp tục đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại 3 nước này, đồng thời mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động đối với từng nước từ 2021-2025. Ngoài ra, Việt Nam cũng dự kiến mở rộng thêm các thị trường khác như các nước trong khu vực ASEAN, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất ở các ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, phục vụ khách sạn - nhà hàng, cơ khí, xây dựng.

Sử dụng hiệu quảnguồn kinh phí

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án cần tới hơn 1.300 tỷ đồng từ NSNN. Trong đó, giai đoạn đầu cần 432 tỷ đồng, giai đoạn hai cần 874 tỷ đồng. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Hải Nam cho biết, đây là kinh phí dự kiến theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, còn mức cụ thể sẽ được Bộ Tài chính cho ý kiến. Trong thời gian tới, nếu con số này được Bộ Tài chính thông qua thì đây sẽ là cơ sở để ngành LĐ-TB&XH thực hiện tốt việc đưa lao động có trình độ chuyên môn cao đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện Đề án đòi hỏi phải có sự cân nhắc và tính toán phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Bởi trước đây, trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, ngành LĐ-TB&XH đã từng có Đề án với tổng kinh phí gấp hơn 3 lần so với kinh phí dự kiến của Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài nhưng hiệu quả lại không cao.

Điển hình là cách đây 7 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009. Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2009-2010, Việt Nam đưa 10.000 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; từ 2011-2015, đưa đi 50.000 người và từ 2016-2020 tăng thêm 15% tổng số người đi làm việc ở nước ngoài so với giai đoạn 2011- 2015. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra trong khi tổng kinh phí đầu tư của Đề án lên tới 4.715 tỷ đồng.

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Phạm Đỗ Nhật Tân, Chính phủ đã phê duyệt một số đề án liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm. Gần nhất là Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 với tổng kinh phí dự kiến hơn 14.000 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020 hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người; trong đó, khoảng 5% đạt các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Bởi vậy, ông Tân cho rằng, Nhà nước nên có sự liên kết trong thực hiện các đề án có liên quan để nguồn lực không bị phân tán, tránh tình trạng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thực hiện lại thấp.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017
Cùng chuyên mục
  • Thu hút đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với ưu thế về giá cũng như thân thiện với môi trường, phát triển điện năng lượng mặt trời đang trở thành xu thế chung của thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia rất giàu tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác nguồn năng lượng này ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn.
  • Giúp dân giám sát việc quản lý,  sử dụng ngân sách nhà nước
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công khai Báo cáo NSNN dành cho công dân hằng năm được coi là một trong những hình thức quan trọng, góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cơ quan tài chính cấp Trung ương và địa phương nên chủ động xây dựng và công bố Báo cáo này nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về thu, chi ngân sách cho người dân, tạo điều kiện cho họ tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách.
  • Xây dựng PVN thành Tập đoàn lớn, phát triển bền vững
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 05/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tại đây, Thủ tướng khẳng định mục tiêu của Chính phủ là xây dựng PVN phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong nhiều thập niên tới.
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030.
  • Triển vọng tăng trưởng kinh tế 2017
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự báo, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017 sẽ khả quan hơn 6 tháng đầu năm. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 có khả năng đạt mức 6,5% - thấp hơn mục tiêu 6,7% của Chính phủ, nhưng cao hơn mức đạt được 6,21% của năm 2016.
Đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài: Cần thiết nhưng phải đảm bảo hiệu quả