Lần đầu tiên trong hệ thống GDNN tại Việt Nam, ngành kỹ thuật thang máy chính thức được đưa vào chương trình đào tạo. Ảnh: Internet |
Ngày nay, loại hình thang máy đang trở nên phổ biến và quan trọng trong đời sống... Tính trung bình, hiện nay có khoảng 250.000 - 300.000 thang máy đã được lắp đặt và sử dụng trên cả nước. Hàng năm, có khoảng 10.000 thang máy mới được lắp đặt và số lượng này còn tăng lên trong thời gian tới. Từ thực tế nhu cầu sử dụng thang máy hiện nay, số lượng nhân viên kỹ thuật cần có để thực hiện bảo trì, sửa chữa sẽ là khoảng 12.000 người. Số lượng nhân viên lắp đặt thang máy cần có khoảng 1.500 người và số lượng này còn tiếp tục tăng cao trong vòng 30 năm tới.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực trẻ cho lĩnh vực này của các nước tiên tiến cũng rất lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, trong số hàng chục ngành nghề đào tạo kỹ sư hiện nay, lại chưa có một ngành nào chuyên đào tạo các kỹ sư về kỹ thuật thang máy.
Trước nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp cùng Gama Service - Đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội quyết định thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy. Trung tâm trực thuộc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, do trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy thuộc Trung tâm sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, các công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được được tham dự những hoạt động kỹ năng nghề quy mô lớn dự kiến trong thời gian tới, được tổ chức bởi Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Tổng cục GDNN như: Cuộc thi tay nghề cấp Trường, cấp Quốc gia, ASEAN...
Như vậy, nếu như trước đây, các DN thường phải sàng lọc nhân sự từ các ngành cơ khí, điện, điện tử để tiến hành đào tạo lại về kỹ thuật thang máy thì giờ đây Trung tâm đào tạo kỹ thuật thang máy sẽ là nơi cung cấp những kỹ sư về thang máy cho thị trường trong bối cảnh đòi hỏi cao về nguồn lao động của lĩnh vực này.