Phần lớn khoản nợ gia tăng liên quan đến Quỹ bình ổn kinh tế
Nếu so với nợ công thời điểm một năm trước, con số 2.367,3 tỷ euro cao hơn 2,0% (tương đương 46,1 tỷ euro); còn so với cuối quý 3/2022, nợ công tăng 1,8% (tương đương 41,9 tỷ euro). Cũng theo Destatis, nợ công bình quân đầu người ở Đức là 28.155 euro.
Ở cấp liên bang, tại thời điểm cuối năm 2022, các khoản nợ của liên bang đạt 1.620,4 tỷ euro, tăng 4,6% (tương đương 71,9 tỷ euro) so với cuối năm 2021.
Destatis cho biết phần lớn khoản nợ gia tăng này liên quan đến Quỹ bình ổn kinh tế (WSF), được Chính phủ Đức ban hành năm 2020 để bù đắp các thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong năm 2022, quỹ bình ổn này đã được mở rộng với các khoản hỗ trợ hàng tỷ euro để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngược lại ở cấp bang, vào cuối năm 2022, tổng các khoản nợ của các bang đã giảm 5% so với cuối năm 2021, với mức nợ là 606,8 tỷ euro. Theo Destatis, ngoại trừ bang Sachsen-Anhalt có tỷ lệ nợ tăng, tất cả các bang khác đều có tỷ lệ nợ giảm so với cuối năm 2021.
Các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong 3 năm qua đã để lại những hậu quả lớn đối với ngân sách công của Đức. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, Chính phủ Đức đã phải tăng cường vay nợ, khiến tổng các khoản nợ tăng tới 60% (lên hơn 2.100 tỷ euro) trong giai đoạn 2020-2022.
Theo Cơ quan Kiểm toán liên bang Đức, trong lịch sử nước này chưa khi nào có nhiều khoản vay mới được phê duyệt trong một thời gian ngắn như vậy. Các khoản nợ gia tăng sẽ rất nguy hiểm cho khả năng hành động của nhà nước cũng như ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của người dân.
Cơ quan Kiểm toán liên bang đã kiến nghị Chính phủ Đức cần giảm bớt gánh nặng nợ cho các thế hệ tương lai bằng cách hoàn trả nhanh hơn các khoản vay để đối phó với khủng hoảng.
Triển vọng kinh tế có cải thiện nhưng vẫn chưa hết u ám
Trước đó, theo báo cáo của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho thấy dự báo triển vọng kinh tế ngắn hạn của nước này dù đã cải thiện trong những tháng gần đây nhưng chỉ ở mức hạn chế, và tình hình vẫn căng thẳng, với lạm phát tiếp tục chi phối các dự báo tăng trưởng.
Theo báo cáo trên, bất kỳ sự gia tăng nào đều có thể bị hạn chế do lạm phát vẫn cao, điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và nhu cầu bên ngoài trì trệ. Báo cáo cho rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế Đức đã sáng sủa hơn do nguồn cung năng lượng bước đầu ổn định và giá bán buôn thấp hơn.
Các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 0,2% trong năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đó là sẽ giảm 0,2% và năm 2024 sẽ tăng trưởng 1,3%.
Mặc dù vậy, báo cáo cho biết tình trạng lạm phát có xu hướng tiếp tục tăng gây ra tình trạng mất sức mua và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, lãi suất tăng cao tác động tiêu cực đến các điều kiện tài chính và dẫn đến sự sụt giảm trong đầu tư.
Cho dù chỉ số lạm phát có thể sẽ giảm trong suốt cả năm, nhưng hội đồng chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra, với mức trung bình là 6,6% trong năm 2023. Các chuyên gia kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống khoảng 3% trong năm tới.