Estonia: Nỗ lực giảm rủi ro từ tình trạng thiếu điện, tăng giá điện đột ngột

(BKTO) - Trong báo cáo thường niên trình trước Quốc hội, Kiểm toán nhà nước Estonia (NAOE) nhấn mạnh, Estonia cần khẩn trương vạch ra những biện pháp hiệu quả, rõ ràng để giải quyết tình trạng thiếu điện và tiếp tục phát triển mạng lưới điện trong tương lai.

a_trang-9.jpg
Một nhà máy điện đang hoạt động ở Đông Bắc Estonia. Ảnh: ST

Cần xây dựng các kế hoạch cụ thể hơn

Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán NAOE Janar Holm cho biết, NAOE vừa hoàn thành một cuộc kiểm toán nhằm tập trung đánh giá những điểm yếu trong hệ thống điện quốc gia. Báo cáo nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo người dân Estonia tiếp cận lượng điện năng cần thiết với giá hợp lý; do đó, không thể trì hoãn việc đưa ra các quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro về tình trạng thiếu điện và tăng giá điện quá mức.

Trong những năm qua, việc lập kế hoạch dài hạn cho chính sách năng lượng của Estonia đã gặp nhiều khó khăn, nhiều quyết định cơ bản và quan trọng vẫn đang chờ được đưa ra. Các thỏa thuận dài hạn về tăng cường năng lực sản xuất điện, đẩy nhanh việc xây dựng các trang trại gió được sử dụng để sản xuất điện cũng như việc phát triển mạng lưới điện trong nước… “vẫn nằm trên bàn giấy”.

Việc đưa ra các quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro về tình trạng thiếu điện và tăng giá điện đột ngột còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu quá do dự trong việc đưa ra quyết định, Estonia có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa.

Tổng Kiểm toán NAOE Janar Holm

NAOE cho biết, mặc dù Kế hoạch phát triển nền kinh tế năng lượng 2035+ của Estonia đang được chuẩn bị nhưng các tài liệu hiện tại cho thấy các biện pháp trong Kế hoạch rất chung chung. Ông Janar Holm nói: “Estonia cần một kế hoạch phát triển cụ thể, rõ ràng; cần xác định nhiệm vụ của từng cơ quan, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, nguồn kinh phí lấy từ đâu… chứ không chỉ là một bản kế hoạch chung chung”.

Về năng lượng tái tạo, Estonia đã đặt ra một số mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng số lượng năng lượng tái tạo được sản xuất ở Estonia. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kế hoạch, hành động cụ thể nào được vạch ra để đạt được mục tiêu này, thậm chí Bộ Khí hậu Estonia còn chưa có kế hoạch chuẩn bị cho mục tiêu trên.

Báo cáo của NAOE nhận định, tiềm năng năng lượng tái tạo cho đến nay vẫn chưa được khai thác đúng mức. Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời đã có bước nhảy vọt lớn ở Estonia trong những năm gần đây - từ mức chiếm 0,03% tổng sản lượng điện năm 2016 tăng lên 7,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất năng lượng gió tại Estonia đang bị đình trệ; trong vòng 10 năm nay, Estonia chưa có thêm trang trại gió lớn nào.

Khuyến nghị đưa ra cho các bên liên quan

Báo cáo của NAOE chỉ ra rằng, một trong những trở ngại cho sự phát triển của thị trường lưu trữ năng lượng tại Estonia là tầm nhìn chưa đầy đủ về phát triển hệ thống điện. Ở Estonia, chưa có giải pháp nào để thực hiện hiệu quả các phương án quản lý việc đáp ứng nhu cầu điện. Do đó, điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu điện là việc sửa đổi luật. Cần thực hiện một mô hình thị trường cho phép người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc giảm mức tiêu thụ điện khi nhu cầu điện tăng cao.

Theo Công ty Điện dân dụng Elering AS, việc bổ sung năng lực sản xuất điện có thể bị cản trở bởi sự không chắc chắn của những tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào thị trường điện. NAO cũng đã phỏng vấn các chuyên gia trong ngành và cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân tích cực hơn để góp phần nâng cao năng lực sản xuất điện ở Estonia.

Đặc biệt, NAOE khuyến nghị Tập đoàn năng lượng Eesti Energia AS cần tính đến việc duy trì năng lực sản xuất điện thông qua việc duy trì liên tục các đơn vị sản xuất và duy trì việc tuyển dụng nhân sự cần thiết. Nếu các đơn vị chỉ có thể tham gia thị trường điện trong thời gian ngắn trong mỗi năm có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn và cả các dự án điện tái tạo.

Ngoài ra, NAOE khuyến nghị Bộ Khí hậu Estonia cần sớm hoàn thiện kế hoạch cấp kinh phí cho việc xây dựng và cải tạo mạng lưới điện, xem xét nên cung cấp kinh phí từ nguồn nào để đầu tư vào mạng lưới và cần khẩn trương thực hiện các kế hoạch đề ra. Bộ Khí hậu cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ khả thi dựa trên nhu cầu của người dân để chuẩn bị ứng phó với tình trạng giá điện tăng cao đột ngột.

Trong trường hợp nhận thấy các nguồn cung cấp điện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, NAOE cho rằng Nhà nước nên yêu cầu viện trợ từ Ủy ban châu Âu để thiết lập các nguồn sản xuất điện dự trữ chiến lược.

NAOE cảnh báo, nếu năng lực sản xuất không được cải thiện và nhiều vấn đề khác không được giải quyết, có nguy cơ giá điện tại Estonia sẽ tăng cao đến mức người dân không thể chi trả được; nếu Chính phủ không có giải pháp đảm bảo đủ nguồn điện vào năm 2027 và đặc biệt là sau năm 2030, có nguy cơ giá điện tăng cao sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của người tiêu dùng và trở thành trở ngại cho sự phát triển kinh tế của đất nước./.

(Theo investinestonia.com và energy.ec.europa.eu)

Cùng chuyên mục
Estonia: Nỗ lực giảm rủi ro từ tình trạng thiếu điện, tăng giá điện đột ngột