EU tái khẳng định cam kết thúc đẩy thị trường chung châu Âu

(BKTO) - Ngày 18/4, hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc thảo luận và đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường chung châu Âu.

Nguy cơ tiền tiết kiệm "chảy" khỏi EU

dong-euro.jpg
Châu Âu đang phải đối mặt với thách thức đầu tư - Ảnh minh họa

Hội đồng châu Âu nhấn mạnh mặc dù thị trường chung châu Âu đã tồn tại hơn ba thập kỷ và đã tạo ra những tập đoàn khổng lồ trong các ngành công nghiệp như hóa chất, hàng không và ôtô, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, năng lượng và quốc phòng vẫn bị phân tán do các quốc gia có những quy định khác nhau, điều này đã gây ra rào cản và hạn chế khả năng cạnh tranh.

Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta nhấn mạnh thị trường nội địa phải được hoàn thiện và mở rộng cụ thể trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông và tài chính, những yếu tố then chốt của an ninh kinh tế của EU.

Ông cũng đề nghị bổ sung thêm quyền thứ 5 là kiến thức và đổi mới vào 4 quyền tự do di chuyển của thị trường nội địa hiện nay gồm con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn.

Châu Âu đang phải đối mặt với thách thức đầu tư. Theo Ủy ban châu Âu (EC), họ phải đầu tư hơn 620 tỷ euro (658 tỷ USD) mỗi năm chỉ riêng cho mục tiêu chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

Liên minh thị trường vốn (CMU) phải giúp vượt qua thách thức này bằng cách chuyển tiền tiết kiệm vào nền kinh tế thực.

Đây cũng là nội dung được bàn thảo tại cuộc họp ngày 18/4 nhằm mục đích mang lại động lực chính trị mới cho dự án này, vốn đã bị sa lầy trong các cuộc tranh luận kỹ thuật suốt 10 năm, trong bối cảnh lợi ích quốc gia khác nhau.

Phát biểu họp báo chung sau khi kết thúc hội nghị, ông Enrico Letta; Chủ tịch EC - Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết đây là một trong những cuộc thảo luận thú vị nhất trong 6 tháng qua, đồng thời nhấn mạnh báo cáo này nói về cách người châu Âu sẽ tự mình nắm giữ vận mệnh của mình.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trước đó cũng đã tuyên bố lần đầu tiên có một cuộc tranh luận sâu sắc và cần thiết về khả năng cạnh tranh của EU, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng khối lượng tài chính khổng lồ của người dân "Lục địa già," cảnh báo về nguy cơ tiền tiết kiệm "chảy" khỏi EU và không được huy động để hỗ trợ đổi mới.

Các quốc gia thành viên của EU đang nỗ lực xác định các định hướng chiến lược cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, dự kiến bắt đầu sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.

Việc thúc đẩy thị trường chung châu Âu không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và cân bằng của khu vực, từ đó tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội của toàn bộ EU.

Thúc đẩy ý tưởng hợp nhất các thị trường tài chính

co-eu-tai-tru-so-o-bi-reuters.jpg
Sự phân mảnh các thị trường vốn đang làm suy giảm khả năng cạnh tranh của EU - Ảnh minh họa

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã thúc đẩy ý tưởng hợp nhất các thị trường tài chính của khối trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ, kể cả trong cuộc đua về công nghệ sạch.

Một thị trường chung đã hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không đến sản xuất hóa chất và ôtô. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, EU nhất trí rằng khối này cần có bước tiến mới. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc cần mở rộng quy mô của thị trường chung ra các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, tài chính và viễn thông.

Quan điểm trên được đưa ra khi sự phân mảnh trong các lĩnh vực trên do quy định của các nước làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của EU trong thời điểm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ đang đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy các lĩnh vực chủ chốt.

Mặc dù EU có đồng tiền chung, tuy nhiên thực tế hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp của khối không thể huy động được số tiền lớn như các đối thủ của Mỹ. Bên cạnh đó, người dân châu Âu hiện đang gửi hơn 300 tỷ euro (318 tỷ USD) tiền tiết kiệm ở bên ngoài, chủ yếu là vào các thị trường Mỹ, mỗi năm.

Chủ tịch EC - Ursula von der Leyen nói đó là khoản đầu tư cho sự phát triển mà các doanh nghiệp và EU đã bỏ lỡ và là sự phân mảnh của các thị trường vốn của khối.

Tuy nhiên, ý tưởng hợp nhất các thị trường của 27 nước thành viên EU đã gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà lãnh đạo của khối.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tranh luận kéo dài do sự khác biệt về xuất phát điểm của các nước. Liên minh tiết kiệm và đầu tư là giải pháp để huy động nguồn tài chính tư cho các ưu tiên của khối. EU có dân số 450 triệu người và có một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Đức và Pháp.

Tuy nhiên, trong khi gần 15% các khoản tiết kiệm cá nhân vẫn được gửi vào các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, khoảng 1/3 trong 35.000 tỷ euro tiết kiệm ở châu Âu chưa được sử dụng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng tình với quan điểm của ông Macro, khi cho rằng các công ty châu Âu cần được hưởng lợi từ lợi thế chi phí nhờ một thị trường nội khối quy mô lớn nếu khối này muốn thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh và chuyển đổi xanh và kỹ thuật số thành công.

Theo EC, chuyển đổi năng lượng sạch và kỹ thuật số mà EU xem là ưu tiên trong những năm tới đòi hỏi tăng đầu tư hàng năm gần 620 tỷ euro.

Từ trí tuệ nhân tạo đến các tấm pin năng lượng mặt trời, từ chip máy tính đến pin, EU đang để mất động lực đổi mới trước các nền kinh tế lớn khác.

Ông Enrico Letta, tác giả của báo cáo về thị trường chung, cho rằng khoảng cách giữa EU và Mỹ đang ngày càng lớn hơn.

Số liệu chính thức của EU cho thấy sự trì trệ về kinh tế của khối đã kéo dài hơn 18 tháng. Trong khi các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đạt mức tăng trưởng tương ứng 2,5% và 5,2% trong năm 2023, số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) tháng trước cho thấy kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,4%.

Cùng chuyên mục
EU tái khẳng định cam kết thúc đẩy thị trường chung châu Âu