Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024

(BKTO) - Dù nền kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ còn nhiều biến động, tác động tới việc điều hành chính sách tiền tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường vàng.

anh-1.jpg
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: NHNN

Ngày 19/4, NHNN đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024.

10 giải pháp thúc đẩy tín dụng

Thông tin tại Họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ và những tác động của nhiều yếu tố khách quan. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

Để có được kết quả trên, từ đầu năm đến nay, NHNN đã nỗ lực triển khai đồng bộ 10 giải pháp: Thứ nhất, NHNN đã sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo khả năng thanh khoản dồi dào của các ngân hàng và toàn hệ thống.

Thứ hai, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại công khai lãi suất bình quân để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc cho biết, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Thứ ba, đến cuối năm 2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Thứ tư, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DN và nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ.

Biến động tình hình kinh tế  - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, mức mất giá dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá VNĐ/USD hiện đã mất giá 4,9% so với đầu năm. Thời gian qua, NHNN đã phát hành tín phiếu VNĐ nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. NHNN sẵn sàng can thiệp "ngay từ hôm nay" - ngày 19/4 nếu tỷ giá tiếp tục bất lợi. 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Thứ năm, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận tín dụng.

Thứ sáu, NHNN cũng đã kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi cho DN gặp khó khăn. Trước những đề xuất của nhiều chuyên gia và mong muốn của DN, NHNN đã tổng hợp, đánh giá việc thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) thời gian qua. Trên cơ sở đó, NHNN đề xuất với Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến cuối năm 2024 thay vì chỉ đến tháng 6 năm nay để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý: “Việc kéo dài thời hạn trả nợ, trả lãi này phải đảm bảo hài hòa giữa giữa nhu cầu, nguyện vọng của DN với chất lượng tín dụng và sự an toàn của các ngân hàng”.

Thứ bảy, NHNN chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng chính sách, các gọi tín dụng như: gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với DN lâm sản, thủy sản…

Thứ tám, NHNN tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho các công ty tài chính và các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, NHNN đạt 89,89/100 điểm, đứng thứ 2 trên tổng số 17 cơ quan được xếp hạng (kém Bộ Tư pháp 0,06 điểm). Trong đó, nhiều chỉ số thành phần NHNN tiếp tục duy trì và đạt thứ hạng cao về mức độ cải cách. Cụ thể, NHNN có 4/7 chỉ số đạt trên 90%, trong đó, chỉ số thành phần “cải cách thủ tục hành chính” giữ vị trí dẫn đầu với giá trị đạt 97%, chỉ số thành phần “công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” đạt 97,02%.

Thứ chín, ngành ngân hàng cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉ đạo các ngân hàng ứng dụng công nghệ trong cho vay trực tuyến.

Thứ mười, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa Chương trình kết nối ngân hàng - DN, tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận tín dụng.

Cũng tại Họp báo, Phó Thống đốc NHNN và đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Quản lý ngoại hối đã thông tin thêm về các yếu tố tác động đến tỷ giá và biện pháp của NHNN, phát triển tín dụng xanh, biến động giá vàng và việc quản lý thị trường vàng…

Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng

Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

ong-tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm rõ các vấn đề liên quan đến tín dụng, tỷ giá, giá vàng cho báo chí. Ảnh: NHNN

NHNN kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật các TCTD năm 2024.

Ngoài ra, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để ổn định, quản lý thị trường vàng; tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là việc xử lý các TCTD yếu kém, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng…/.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024