Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 ngày 19/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Giá vàng tăng cao là do yếu tố tâm lý lan rộng. Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm khiến chỉ số đồng USD giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng, ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; giá xăng dầu tăng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông…
NHNN sẽ tổ chức đấu thầu vàng viếng nhằm tăng cung cho thị trường. Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24).
Cũng liên quan đến đấu thầu vàng, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN - thông tin, NHNN có sự thẩm định kỹ lưỡng về việc này và sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Dự kiến, phiên đấu thầu vàng miếng sẽ được tổ chức vào ngày 22/4.
Về thủ tục, quy trình đấu thầu, NHNN cho biết, sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, cơ quan này sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Đại diện NHNN cũng cho biết, cơ quan này đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24, đã lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương sửa đổi Nghị định 24.
Theo NHNN, Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt tập trung xem xét vấn đề xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Liên quan đến vấn đề tăng cung bằng nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, nhất là với vàng trang sức sản xuất và xuất khẩu, ông Đào Xuân Tuấn khẳng định Nghị định 24 đã có quy định về vấn đề này, tức là những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang thực hiện tại các chi nhánh NHNN, không có khó khăn vướng mắc gì. NHNN cũng đã yêu cầu các NHNN chi nhánh nắm bắt nội dung để báo cáo.
Đại diện NHNN cũng cho rằng, việc quản lý thị trường vàng không chỉ là trách nhiệm của NHNN mà còn có cả trách nhiệm của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác, như Bộ Công Thương quản lý về thị trường, Bộ Tài chính quản lý về thuế, phí… Do đó, để thị trường vàng được quản lý tốt hơn, các bộ, ngành cần có sự phối hợp với NHNN.
Trước đó, NHNN đã có Văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng
Cụ thể, tại Văn bản số 3102/NHNN-QLNH, NHNN đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này; tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để NHNN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả; hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng... Phối hợp cùng NHNN trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động này được an toàn, hiệu quả.
Đối với Bộ Công Thương, NHNN đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.