Để tăng sức mạnh trên thị trường bán lẻ, nhiều DN đã thực hiện M&A. Ảnh: Minh Thái
Từ cái “bắt tay”giữa Vingroup và Masan…
Những năm gần đây, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của chuỗi cửa hàng tiện lợi với hàng loạt tên tuổi đình đám như: 7-Eleven, Circle K, GS25, Lawson... Cùng đứng vào cuộc đua này còn có các thương hiệu trong nước như: Vinmart+, Co.op Food, Satrafood, Bách Hóa Xanh...
Để tăng sức mạnh trên thị trường bán lẻ, nhiều DN đã thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A). Minh chứng là, hồi đầu tháng 9/2019, GIC (Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore) đã đầu tư 500 triệu USD để sở hữu một lượng cổ phần thiểu số tại Công ty Cổ phần (CP) Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+).
Ngày 03/12 vừa qua, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã công bố thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo thỏa thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) và Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ tại 50 tỉnh, thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng từ Masan.
Cái “bắt tay” giữa Vingroup và Masan, hai đại gia đình đám trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ, được coi là xu thế tất yếu để “đi trước, đón đầu” thị phần ngay trên chính sân nhà. Từ thương vụ đình đám này, giới chuyên gia kỳ vọng về một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu khu vực có thể đứng vững và cạnh tranh với những chuỗi bán lẻ tên tuổi lớn trong khu vực và trên thế giới. Sự hợp tác giữa 2 DN nội sẽ góp phần cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt DN trong lĩnh vực này cùng phát triển. Đồng thời, việc sáp nhập ấy sẽ tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt.
… đến xu hướng M&A sôi động ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ
Thực tế cho thấy, làn sóng các giao dịch M&A ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ đã dấy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn. Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu như năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị 61 triệu USD thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 10,2 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 9 tháng năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký với gần 1,4 tỷ USD, đứng thứ 3 trong nhóm ngành hút vốn ngoại nhiều nhất.
Một số thương vụ M&A nổi trội có thể kể đến: Central Group (Thái Lan) thâu tóm chuỗi 33 siêu thị, đại siêu thị Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD hồi tháng 4/2016; TTC Holdings thâu tóm Metro Cash & Cary Việt Nam của Tập đoàn Metro Đức, sau đó hợp nhất với Big C Thái Lan hồi tháng 01/2016. Ước tính, Metro chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam…
Đáng lưu ý, không chỉ các DN ngoại tham gia thị trường, hoạt động M&A ngành này đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước. Với việc mạnh tay đầu tư, thâu tóm các DN bán lẻ, thị trường này được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt.
Đơn cử, năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh với số tiền là 824 tỷ đồng. Năm 2018, Tập đoàn BGR mua lại 65% cổ phần của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Tháng 10/2018, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart sau khi Tập đoàn Aeon (Nhật) chấm dứt việc rót vốn. Hệ thống 25 siêu thị Fivimart đã được đổi tên thành VinMart khi thương vụ hoàn tất. Mới đây nhất là “cái bắt tay” giữa Vingroup và Masan…
Theo VCBS, thị trường hàng tiêu dùng - bán lẻ đang trên đà phát triển tích cực bởi nhiều yếu tố: thu nhập bình quân tăng, sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, xu hướng liên kết với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng lãi suất 0%...
Báo cáo “Xu hướng M&A hàng tiêu dùng - bán lẻ: Cuộc đua chuyển đổi chiến lược và tăng trưởng chiến lược năm 2019” của KPMG đã chỉ ra rằng, M&A trong lĩnh vực này đang tập trung vào 3 xu hướng chính gồm: tối ưu hóa danh mục đầu tư, tạo ra sự kết hợp phù hợp khi các DN định hình lại danh mục đầu tư để đáp ứng với việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng; hướng tới sự lành mạnh, có đạo đức và tính xác thực, các DN sẽ có sự thay đổi khi người tiêu dùng đang tập trung vào mục tiêu ăn uống lành mạnh hơn, tiêu dùng bền vững, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và xu hướng chuyển đổi số.
Thời gian tới, theo dự báo, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó, tiêu dùng - bán lẻ sẽ vẫn là một trong những ngành thu hút dòng vốn M&A nhiều nhất. Đứng trước làn sóng thâm nhập ngày càng mạnh của nhà đầu tư ngoại, nhiều chuyên gia khuyến cáo, các DN bán lẻ trong nước cần vượt qua chính mình, phát huy thế mạnh về văn hóa, kinh nghiệm, đồng thời liên kết với nhau và với các hiệp hội, ngành hàng để tạo nên sức mạnh, đủ sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và từng bước vươn ra thế giới.
HỒNG NHUNG