Nhìn vào thực trạng dòng vốn của DN Việt Nam hiện nay cho thấy, dòng vốn tự có của DN ngày càng nhỏ đi trong tổng dòng vốn của DN. Bình quân giai đoạn 2011-2015, vốn tự có của DN chiếm khoảng 32%, nhưng thời điểm cuối năm 2018, nguồn vốn tự có của DN chỉ chiếm khoảng 27%. Dự báo đến cuối năm 2019, nguồn vốn tự có của DN cũng không thể vượt quá 27%.
Về dòng vốn tín dụng, quy mô năm 2018 bằng 133% GDP, năm 2019 khoảng 134% GDP - đây là mức tương đối lớn so với thu nhập bình quân đầu người và mức độ phát triển của Việt Nam hiện nay. Mức tăng trưởng tín dụng được duy trì ổn định trong khoảng 7 - 8 năm qua, năm 2019 dự báo khoảng 13% và năm 2020 cũng vào khoảng 12 - 13%. Với mức tăng trưởng tín dụng này, tôi cho rằng DN không khó khăn khi tiếp cận, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực. Nếu tăng trưởng tín dụng của Việt Nam chỉ là 10% thì đã là cao nhất so với các nước ASEAN. Các nước ASEAN hiện đang kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ 4 - 6%. Tuy nhiên, trong bối cảnh vốn của ngân hàng thương mại còn khó khăn thì mức tăng trưởng như trên là một bất cập. Về tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), số liệu năm 2018 cho thấy, các DNNVV chỉ tiếp cận được khoảng 22% nguồn vốn, con số này không hề thấp so với các nền kinh tế cũng có số lượng DNNVV lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…, hay so với các nền kinh tế có tỷ lệ DNNVV tương tự với Việt Nam như: Indonesia, Philippines, Ấn Độ… thì tỷ lệ cho vay của Việt Nam lại cao hơn rất nhiều, bởi tỷ lệ của các nước này chỉ khoảng 8 - 10%. Do đó, ở đâu đó có sự kêu ca về vốn cho DNNVV thì chúng ta cũng cần lưu ý điểm này.
Qua tính toán toàn bộ 4 dòng vốn của nền kinh tế hiện nay dành cho DN, tôi nhận thấy, dòng vốn tín dụng năm 2016 chiếm khoảng 57% tổng dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế, nay giảm xuống còn 46%. Lý do giảm vì có 2 dòng vốn khác bù vào, gồm dòng vốn tư nhân (vốn tự có của DN đã tăng từ 5,2% trước đây lên khoảng 14% hiện nay) và dòng vốn huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN (mỗi năm huy động từ thị trường vốn cổ phiếu DN khoảng 280.000 tỷ đồng, còn huy động vốn từ thị trường trái phiếu DN khoảng từ 230.000 - 240.000 tỷ đồng). Dòng vốn FDI vào khoảng 23% và gần như không thay đổi trong 4 năm qua. Dòng vốn từ NSNN được giải ngân năm 2017-2018 tăng vọt do năm 2016 chúng ta bắt đầu thực hiện theo Luật Quản lý nợ công và đầu tư công mới nên giải ngân vốn đầu tư công hầu như tắc nghẽn, không tăng được, đến năm 2017 bắt đầu tăng vọt lên.
Dòng vốn từ kênh chứng khoán có tăng nhưng chưa nhiều. Năm 2018 và 2019, lượng vốn huy động từ thị trường trái phiếu DN rất tốt, năm 2019 đạt khoảng 232.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến chuyên gia và nhà quản lý bày tỏ quan ngại về việc phát hành trái phiếu của DN, tôi cho rằng cần phải ủng hộ nhưng vẫn quản lý để thị trường phát triển lành mạnh: phải minh bạch hơn để nhà đầu tư định lượng được rủi ro khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư; phải có đầu mối quản lý tổng thể, phải là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chứ không thể là các Sở Kế hoạch và Đầu tư đang quản lý việc này như hiện nay; mặt bằng lãi suất phải giữ ở mức tương đối phù hợp, không thể tới mức 20% như nhiều DN đã làm, điều này vừa có vấn đề với DN, vừa có vấn đề với mặt bằng lãi suất của nền kinh tế. Bởi với lãi suất 20% thì DN sẽ cực kỳ khó khăn để trả nợ trong tương lai.
Huy động vốn từ thị trường chứng khoán chủ yếu qua phát hành cổ phiếu của DN, qua IPO, cổ phần hóa mỗi năm huy động được khoảng 270.000 - 280.000 tỷ đồng. Rõ ràng là kênh chứng khoán, kênh trái phiếu phát triển tốt nhưng mức độ huy động vốn còn rất thấp so với thông lệ quốc tế. Cả thị trường chứng khoán của Việt Nam trong 1 năm mới huy động được vốn bằng 1 ngân hàng thương mại cỡ trung bình (1 năm huy động được vốn khoảng 250.000 - 300.000 tỷ đồng). Như vậy, chúng ta thấy rằng cần phải huy động mạnh mẽ hơn từ thị trường chứng khoán.
Về giải pháp, tôi cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh vốn đang còn tồn tại nhiều vấn đề. Thứ hai, phải phát triển tốt hơn và cân bằng hơn thị trường tài chính. Thứ ba, về lâu dài cần cân nhắc việc bỏ trần lãi suất để hướng đến thị trường ở mức độ cao hơn, minh bạch hơn. Đối với các DN, cần phải minh bạch hơn và thiện chí hợp tác hơn, thay đổi quản trị DN, quản lý tài chính bài bản hơn, minh bạch hơn. DN cũng cần chú trọng liên kết và đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân lực, chủ động tăng cường khả năng chống chịu đối với rủi ro bên ngoài. Khảo sát vừa qua cho thấy, chỉ có 12% DN quan tâm đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và có phương án dự phòng để thích ứng, còn đại đa số DN vẫn tương đối thờ ơ. Điều này là không ổn!.
HỒNG THOAN (lược ghi)