GIÁ ĐIỆN TĂNG - NHỮNG GÓC NHÌN ĐA CHIỀU Bài 3: Quy hoạch điện VIII có giải quyết được những vấn đề tồn tại?

(BKTO) - Trong khi nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đang gặp khó trong đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì việc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, cũng như giải quyết những vướng mắc, bất cập trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN…

t12.jpg
Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, mở lối cho NLTT phát triển. Ảnh: THÁI ANH

Sẽ phát triển đột phá về năng lượng tái tạo

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII diễn ra chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quy hoạch đã được xây dựng cẩn trọng, kỹ lưỡng nhằm tối ưu các yếu tố nguồn điện, lưới điện, truyền tải điện, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm điện, thực hiện các cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Một trong những điểm đáng chú ý của Quy hoạch điện VIII là việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, để chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ phát triển mạnh các nguồn NLTT phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, thậm chí tới 47% với điều kiện các cam kết với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ NLTT lên đến 67,5-71,5%. Đây là một sự đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh của NLTT tại Việt Nam trong giai đoạn tới - ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận khi trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030 hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng bao gồm: Sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị NLTT, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp NLTT tại các khu vực có nhiều tiềm năng…

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, nguồn NLTT, năng lượng mới còn được định hướng phục vụ cho xuất khẩu với quy mô công suất xuất khẩu đến năm 2023 khoảng 5.000-10.000MW.

Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ là 21.880MW (chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện); điện gió ngoài khơi 6.000MW (chiếm 4%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn.

Tổng công suất điện mặt trời là 12.836MW (chiếm 8,5%). Định hướng năm 2050, tổng công suất điện gió trên bờ là 60.050-77.050MW (chiếm 12,2-13,4%); điện gió ngoài khơi 70.000-91.500MW (chiếm 14,3-16%); điện mặt trời 168.594-189.294MW (chiếm 33-34,4%)…

Mở lối cho năng lượng tái tạo chỉ có thể từ cơ chế, chính sách

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mở lối cho NLTT phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giải pháp được đề ra trong Quy hoạch là phải hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển NLTT, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, cần ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện NLTT và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Đồng thời với việc nghiên cứu xây dựng quy định thu phí đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), cũng cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về NLTT.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển NLTT, phát triển công nghiệp NLTT, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả, khả thi các chính sách này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ.

Thực tế thời gian vừa qua, việc thực hiện chủ trương phát triển NLTT có những vướng mắc cần tháo gỡ. Qua quá trình khảo sát của Ủy ban Kinh tế, chúng tôi nhận được rất nhiều văn bản kiến nghị cho thấy, ngoài những dự án được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước thì nhiều dự án triển khai bị chậm tiến độ, do điều kiện khách quan là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các chuỗi cũng ứng bị đứt gãy, nhiều modul không thể chuyển về và đến khi về mới triển khai lắp ráp nên bị chậm so với tiến độ dự án.

Theo lý giải của ông Sơn, hiện nay, rất nhiều nhà máy điện đang phát không tải vì không kết nối được. Trong khi đó, doanh nghiệp vay vốn đầu tư rất lớn mà sản lượng điện không bán được do chậm so với Thông tư số 18/2020/TT-BCT, đàm phán giá thì vẫn chưa ra được giá và trong đàm phán giá thì phải cân bằng giữa lợi ích của các bên Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Vì thế, để trả lời cho câu hỏi việc thực hiện mục tiêu phát triển NLTT theo Quy hoạch điện VIII có khả thi hay không thì trước hết, cần tháo gỡ được những vướng mắc cơ bản này.

Còn nếu không gỡ được thì sẽ rất khó thực hiện, bởi nó làm cho các nhà đầu tư hết nguồn lực, làm giảm ý chí, lòng nhiệt huyết của nhà đầu tư; trong khi việc thực hiện chủ trương này cần nguồn lực xã hội hóa rất lớn.

Cùng với đó, cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường truyền bởi hiện nay, đường truyền là vấn đề yếu nhất.

Đặc biệt, ông Sơn khuyến nghị, cùng với Quy hoạch điện VIII, cần sớm ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có một bức tranh hết sức tổng thể, từ đó mới có một bài toán tổng thể để giải quyết các bất cập, đồng thời có lộ trình để bố trí đầu tư công hoặc có các hình thức, cơ chế khác để đầu tư.

Còn theo ông Trần Đình Long - Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, cần phân bổ hợp lý các nguồn NLTT và tiếp tục có những chính sách cụ thể để thu hút đầu tư, chú trọng nguồn vốn ưu đãi để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện, làm cơ sở để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Mới đây, khi trao đổi với Tổng Giám đốc Tập đoàn John Cockerill - Tập đoàn của Bỉ có thế mạnh về NLTT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời và Việt Nam khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NLTT trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và tính toán tổng thể cả 5 yếu tố gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Hy vọng rằng, với những cơ chế, chính sách mở trong thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển NLTT khi đã được định hình rõ và sớm được ban hành sẽ tháo gỡ được toàn bộ những nút thắt mà bấy lâu nay các nhà đầu tư NLTT đang gặp phải./.

Có thể nói, các nhà đầu tư đã rất trông chờ vào sự ra đời của Quy hoạch Điện VIII bởi cần có một định hướng lớn của Nhà nước thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền ra để đầu tư. Khi Quy hoạch điện VIII được ban hành, doanh nghiệp, nhà đầu tư rất hồ hởi đón nhận song trong triển khai thực hiện sắp tới như thế nào là vấn đề rất quan trọng.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Cùng chuyên mục
GIÁ ĐIỆN TĂNG - NHỮNG GÓC NHÌN ĐA CHIỀU Bài 3: Quy hoạch điện VIII có giải quyết được những vấn đề tồn tại?