Nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42
Theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực, quan trọng, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các Bộ, ngành, địa phương và vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đơn cử như, về thỏa thuận thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ…”. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBĐ theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác (không ký lại nội dung điều chỉnh hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ), vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ TSBĐ theo Điều 7 Nghị quyết số 42.
Bên cạnh đó, hiện nay, quy định tại Nghị quyết số 42 chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay. Trong khi đó, các tranh chấp của các khoản nợ xấu tại các TCTD hầu hết là các tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, việc không quy định thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu.
Từ thực tiễn 5 năm triển khai Nghị quyết số 42, Chính phủ kiến nghị và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, TSBĐ. Trong đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Trong thời gian chờ xây dựng luật, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành (từ 15/8/2022), Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022-2024.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, nếu những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu không được tiếp tục triển khai có thể dẫn đến việc kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD; các TCTD thiếu nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất; không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD. Đồng thời, làm phát sinh những tranh chấp giữa TCTD và khách hàng do còn có sự bất cập, thiếu đồng nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu.
Đặc biệt, do các TCTD rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nên dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2024 (tại thời điểm 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng).
“Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19” - Thống đốc NHNN cho biết.
Kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị quyết chưa bao quát hết các chủ thể liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị Báo cáo đánh giá tác động của chính sách cần phân tích kỹ hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 có ảnh hưởng tới việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Tại phiên họp, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng. Do đó, cần có một hành lang pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới, tránh tạo khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành.
Dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2019 KTNN đã tổ chức kiểm toán chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42. Theo đánh giá của KTNN, từ khi thực hiện Nghị quyết số 42 thì tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã giảm mạnh. Tuy nhiên, qua cuộc kiểm toán, KTNN cũng đã có kiến nghị rất cụ thể với các Bộ, ngành có liên quan, trong đó KTNN lưu ý NHNN nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi các nội dung, nhất là các nội dung tại Điều 7 của Nghị quyết số 42.
Từ những khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 42 đã được Chính phủ nêu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, cần phải có một hành lang pháp lý để tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu. Do đó, trước mắt khi chưa có luật, KTNN đồng tình việc kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, việc kéo dài như thế nào thì cần phải rà soát kỹ, đánh giá kỹ một số tồn tại ngay trong Nghị quyết số 42 cần phải bổ sung, sửa đổi. Cùng với đó, cần phải tính toán kỹ đến việc là sau năm 2024, khi Nghị quyết 42 được kéo dài thì tiếp đó sẽ là như thế nào. Nếu xây dựng luật xử lý nợ xấu hay các văn bản khác cũng phải tính toán sớm.
Báo cáo UBTVQH, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trong kế hoạch kiểm toán năm 2022, KTNN sẽ kiểm toán chuyên đề về Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đồng thời gắn với xử lý nợ xấu và kết quả thực hiện Nghị quyết số 42. Theo đó, KTNN dự kiến triển khai kiểm toán nội dung này tại NHNN vào tháng 8/2022. Bên cạnh đó trong nội dung kiểm toán các ngân hàng thương mại, năm 2022, KTNN sẽ kiểm toán Agribank, Vietcombank và một số các TCTD khác; trong đó, sẽ lồng ghép chuyên đề đánh giá việc các TCTD thực hiện Nghị quyết số 42. Từ kết quả kiểm toán này cùng với kết quả kiểm toán tại NHNN, KTNN sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42. |
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu NHNN đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản…
Trên cơ sở thảo luận, tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thống nhất bổ sung nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022; thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp; trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp tháng 5/2022. Thời hạn áp dụng Nghị quyết kéo dài đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết số 42.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến nhằm chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, giao KTNN chuẩn bị báo cáo về nội dung thực hiện Nghị quyết số 42 theo kế hoạch kiểm toán năm 2022./.
Đ. KHOA