Không để học sinh không chọn nhầm ngành nghề, tránh lãng phí nguồn lực

(BKTO)- Tốn thời gian, kinh phí đào tạo, nhưng nhiều người học rẽ ngang hoặc không làm được việc sau tốt nghiệp… gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thực trạng trên một lần nữa cảnh báo về công tác định hướng, lựa chọn ngành học cần được tăng cường và đổi mới, phát huy hiệu quả cao hơn nữa, trong bối cảnh mùa tuyển sinh năm 2022 đang đến gần.



Học sinh vẫn thiếu định hướng về nghề nghiệp

Người học thiếu thông tin cần thiết về ngành học, dẫn đến lựa chọn ngành học chưa thực sự như mong muốn là thực trạng tồn tại từ nhiều năm nay, song chưa được giải quyết hiệu quả. Hệ quả, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, 65,4% sinh viên (SV) năm thứ nhất chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ; 75,6% SV ít thỏa mãn với nghề đã chọn, học rồi mới thấy không hợp; 32,4% SV muốn được thi lại vào năm sau…

Số liệu do một số trường đại học vừa công bố mới đây cũng củng cố thông tin về thực trạng này. Theo đó, gần 50% học sinh khi được hỏi không biết chọn ngành, nghề phù hợp; hơn 40% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì và 77% mong muốn được tư vấn chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân.
                
   

Các trường cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ảnh minh họa

   

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh, TS. Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê, để từ đó theo đuổi ước mơ nhằm lập thân, lập nghiệp, tránh "ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ". Tuy vậy, thực tế cho thấy không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn chấp nhận đăng ký vào ngành học mà bố mẹ đã định hướng; hoặc bản thân chưa có đầy đủ thông tin về ngành học mà... "chọn đại cho xong".

"Xu hướng SV chuyển ngành, bỏ học để thi lại ngành học yêu thích ngày càng tăng, trong khi việc bỏ lỡ thời gian học tập ngay từ năm đầu sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng lớn đến cơ hội nghề nghiệp của các em" - TS. Thủy chia sẻ.

Hiện, các trường đại học đang trong thời gian công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Thời điểm này, cùng với việc tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức, ngành giáo dục đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh khối 12 chọn ngành, nghề phù hợp. Tuy nhiên, trước thực tế công tác định hướng, tư vấn diễn ra hằng năm, song hiệu quả chưa cao, các chuyên gia cho rằng, công tác này cần tiếp tục được tổ chức thường xuyên, kịp thời hơn. Đặc biệt, cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa phương thức tư vấn, để người học dễ dàng tiếp cận thông tin khi cần thiết và nhận được sự trợ giúp kịp thời hơn. "Với hệ thống nền tảng công nghệ và nhiều kênh thông tin khác rất phổ biến, các trường cần tận dụng nền tảng đó để tư vấn cho học sinh; thậm chí là lồng ghép ngay trong các buổi học văn hóa, thay vì phải đợi đến các dịp tuyển sinh mới tổ chức dồn dập" - một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh cho biết.

Tránh suy nghĩ chọn đại học bằng mọi giá

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp từ sớm cho học sinh, các chuyên gia cũng khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc thận trọng để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp; không nhất thiết phải chọn học đại học, nếu đó không phù hợp với năng lực và cơ hội phát triển của bản thân.

TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, những hệ quả tiêu cực mà dịch Covid-19 tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế, trong đó làm gia tăng tình trạng thất nghiệp là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ngay từ trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, tình trạng thất nghiệp đã gia tăng, phức tạp. Trong đó, nguyên nhân quan trọng đầu tiên chính là do người lao động không đảm bảo năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc.

"Muốn có năng lực tốt, thì người học phải chuyên tâm học tập và tìm được ngành học phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Đó là lý do vì sao cần phải có định hướng nghề nghiệp từ sớm" - TS. Khuyến nói và đề nghị các cơ sở giáo dục cần phát huy tốt hơn vai trò định hướng của nhà trường, thầy cô với các em.
                
   

Học nghề cần được coi là một trong những lựa chọn nghề nghiệp tốt cho người học. Ảnh minh họa

   

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh cũng cho rằng, khi chọn ngành, người học cần cân nhắc xem ngành nghề mình dự định chọn có thực sự phù hợp hay không, thay vì chọn ngành "hot", có tên hay. Bởi hệ quả của tình trạng này là người học sẽ sớm xuất hiện tâm lý chán nản, buông xuôi.

Trong khi đó, TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, hội nhập sâu rộng hiện nay, thị trường sẽ rất thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề. Do đó, thay vì chỉ chạy theo bằng cấp đẹp, thí sinh có thể lựa chọn học nghề để phát triển tương lai nghề nghiệp. Dẫn chứng thực tế hiện nay DN sẵn sàng đón lao động và cam kết mức đãi ngộ cao ngay từ khi sinh viên đang học những năm cuối, TS. Hùng khuyên các gia đình, thí sinh cần cân nhắc thận trọng trước khi đăng ký ngành học.

“Hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản. Vì vậy, trong việc chọn ngành nghề, cha mẹ hãy để học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì, muốn gì và thích gì” - TS. Vũ Xuân Hùng nói và khuyến nghị phụ huynh chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con thay vì ép buộc.

Bên cạnh việc lựa chọn nghề theo năng lực bản thân, TS. Phạm Xuân Khánh – phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội khuyên thí sinh cần quan tâm đến tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên tại ngôi trường mà bản thân có ý định thi tuyển. Đồng thời, trong bối cảnh cơ hội làm việc, thăng tiến dành cho các lao động đào tạo từ trường nghề hiện đang rất cao, người học cần nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề này để có lựa chọn phù hợp. "Người học nghề vẫn có thể tham gia học đại học để nâng trình độ, sau khi đã có những kỹ năng lao động thuần thục từ học nghề"- TS. Khánh chia sẻ./.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Không để học sinh không chọn nhầm ngành nghề, tránh lãng phí nguồn lực