Gia tăng giá trị của tài liệu lưu trữ

(BKTO) - Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần có quy định đảm bảo kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia.

Sáng 22/02, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

tung22.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tiếp thu quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Theo đó, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.

Liên quan đến quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu.

Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung Điều 47 về ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; bổ sung Điều 48 về tặng cho tài liệu lưu trữ tư; chỉnh lý quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về ký gửi, tặng cho, mua bán và việc mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài để quy định đầy đủ, bao quát hơn về tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt.

Làm rõ trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ tư liệu lưu trữ

Phát biểu góp ý tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước… Đồng thời, cần rà soát, đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn.

ct-hue22.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: VPQH

Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương. Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia.

Liên quan đến nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung. Do vậy, trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.

Quan tâm đến nhóm chính sách về chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị bổ sung vào Điều 5 của Dự thảo Luật cụm từ “khuyến khích chuyển đổi số”. Đồng thời, bên cạnh quy định xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, cần nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định về số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu vào Điều 10; đồng thời cần có quy định về việc kết nối, chia sẻ tư liệu quý giữa các cơ quan để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến trong UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ lưu ý đến vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin của các khối, nhất là khối Đảng, khối ngoại giao và các khối liên quan để đảm bảo việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Cùng chuyên mục
Gia tăng giá trị của tài liệu lưu trữ