Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng 21,3%, sản lượng đá xây dựng tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đây là ngành có mức tăng trưởng cao nhất là điểm sáng của sản xuất công nghiệp tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên các ngành ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong mức tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm lại giảm so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí đầu vào tăng cao. Ngành sản xuất và phân phối điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng do 6 tháng đầu năm 2023 lưu lượng nước bình quân về hồ Hòa Bình thấp so với cùng kỳ, tình trạng nắng nóng diện rộng kéo dài. Sản lượng điện sản xuất ước đạt 4.497,5 triệu KWh đạt 47,85% kế hoạch năm, điện thương phẩm ước tính là 600,6 triệu KWh đạt 46,93 % so với kế hoạch năm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,59%, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; công nghiệp - xây dựng giảm 2,05%; dịch vụ giảm 3,15%; thuế sản phẩm giảm 2,72%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,06%; công nghiệp - xây dựng 41,64%; dịch vụ 34,60%; thuế sản phẩm 4,68%.
Công tác thu hút đầu tư về phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo Nghị quyết 67/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình được quan tâm. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh đã hỗ trợ phát triển hạ tầng được 2 cụm công nghiệp là: Cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ, cụm công nghiệp Khoang U, với kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng.
Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành công nghiệp sản xuất điện và phân phối điện, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh. Trong đó nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện tử, dệt may, chế biến nông, lâm sản... tăng trưởng ở mức cao. Đây là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Hòa Bình, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh thuộc ngành chế biến chế tạo, như: Dệt may, chế biến nông sản, lắp ráp linh kiện.... Năm 2022 xuất khẩu sản phẩm lắp ráp điện tử đạt 780 triệu USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, xuất khẩu dệt may đạt 450 triệu USD chiếm 31%.
Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Ngành điện đảm bảo tốt nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đồng thời thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án, công trình điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi được chú trọng góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh./.