Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) thu hoạch vụ lúa mùa trên nền đất bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.Ảnh:TTXVN
Theo ước tính sơ bộ thì đến thời điểm này, hạn hán, XNM đã làm thiệt hại về cây lúa của nông dân vùng ĐBSCL cả ngàn tỷ đồng và nguy cơ lúa chết còn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là không chỉ vụ đông xuân hiện tại mà cả vụ hè thu tới cũng bị ảnh hưởng, cùng với đó, là những ảnh hưởng trực tiếp lên vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản nước ngọt... Nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu tốc độ XNM vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lần này cũng đã làm bộc lộ một số bất cập trong quy hoạch sản xuất, hệ thống thủy lợi… Đã xảy ra những tình trạng như địa phương này phải đóng các cửa cống mới lấy được nước ngọt để dùng, thì địa phương cạnh đó lại buộc phải mở cống để có nước mặn nuôi tôm. Hay tình trạng xuống cấp, quá tải của nhiều công trình thủy lợi, nhất là các công trình đóng vai trò then chốt trong kiểm soát lũ sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hàng loạt kênh thoát lũ ra biển trước đây là hợp lý, thì nay khi nước vùng thượng nguồn sông Mê Kông bị chặn, lũ gần như không về thì các kênh dẫn dòng vô tình lại đưa nước ngọt trôi nhanh ra biển. Các tỉnh thượng nguồn trong tình trạng thiếu nước ngọt, trong khi các tỉnh cuối nguồn nước mặn có điều kiện xâm nhập sâu hơn…
Trước những hậu quả nặng nề của đợt hạn hán, XNM, các địa phương vùng ĐBSCL đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, triển khai nhiều biện pháp tích cực để chống hạn hán, XNM… Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu đề ra, thiết nghĩ các địa phương trong vùng cần phải rà soát lại những quy hoạch, kế hoạch sản xuất và hệ thống thủy lợi bố trí xem đã hợp lý, khoa học hay chưa. Rõ ràng, để giải bài toán đẩy lùi hạn hán, XNM, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL thì việc tổ chức, sắp xếp quy hoạch và liên kết vùng phải được đặc biệt chú trọng; có thể tính đến phương án thống nhất “sống chung với hạn hán, XNM” ở những vùng cụ thể. Bên cạnh những giải pháp “tình thế” như đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; tích nước, tiết kiệm nước ngọt…, cũng cần phải có những biện pháp chiến lược lâu dài như chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đầu tư các công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng ĐBSCL cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành trong vùng cần có liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu, tránh cách làm manh mún, cục bộ....
TRỊNH NGUYỄN