Các lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy mũ bảo hiểm giả không đảm bảo chất lượng. Ảnh: TS
Bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi NTD
Theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là ngày Quyền của NTD Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của NTD đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nền kinh tế đất nước; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với việc Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới, hình thành Cộng đồng ASEAN, quyền lợi NTD Việt Nam càng phải được tăng cường, bảo vệ; vị thế của NTD Việt Nam cần phải được nâng cao để hội nhập hiệu quả cộng đồng NTD các nước. Để có thể xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cần phải có đột phá, phải được các cơ quan Chính phủ cũng như toàn xã hội chung tay hành động mạnh mẽ hơn.
Trao đổi về nội dung trọng tâm của chuỗi hoạt động tổ chức nhân ngày Quyền của NTD Việt Nam 15/3 năm nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chúng tôi đã lựa chọn Chủ đề “Quyền được an toàn của NTD”. Đây là một trong 8 quyền cơ bản của NTD đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, cụ thể “NTD có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.
Còn nhớ cách đây vài năm, trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa đi vào cuộc sống, rất nhiều NTD khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi đã không biết kêu “cứu” ở đâu và kêu “cứu” tới ai. Cũng đã có những trường hợp gửi khiếu nại đến tổ chức bảo vệ NTD nhưng với hy vọng rất mong manh vì niềm tin được đặt vào một địa chỉ còn “thấp cổ bé họng” - đúng như lời của một vị nguyên là lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam đã tự nhận định về vị thế của Hội. Cũng trong bối cảnh ấy, một số chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra lời khuyên: “Cần phải trở thành NTD thông thái”. Nhưng trên thực tế, thật khó để NTD đạt được sự “thông thái” ấy. Điều này càng khiến cho NTD cảm thấy mình bị “bỏ rơi”. Vì thế, chủ đề “Quyền được an toàn của NTD” được Bộ Công thương lựa chọn chứng tỏ được rằng: các cơ quan chức năng đang thực sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi căn bản nhất, thiết thực nhất của NTD cả nước.
Bảo vệ NTD bằng những hành động thiết thực
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, tính đến nay đã có trên 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện và đang bắt đầu triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Để tạo được sự đồng bộ và thống nhất, Cục Quản lý cạnh tranh đã có hướng dẫn cụ thể gửi tới các Sở Công thương trên toàn quốc và các địa phương sẽ thực hiện các hoạt động hưởng ứng kể từ sau khi Bộ Công thương tổ chức lễ công bố Ngày Quyền của NTD Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, tập trung vào các nhiệm vụ: Bảo vệ quyền lợi NTD phải được coi là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ tập trung vào một số Bộ, ngành, cơ quan; cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền lợi NTD; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi NTD, cần nghiên cứu thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi NTD áp dụng trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền lợi NTD; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD của các chủ thể tham gia thị trường; Bộ Công thương, các Bộ, ngành đổi mới công tác truyền thông; các cơ quan thông tấn báo chí cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin liên quan bảo vệ quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, bảo vệ quyền lợi NTD không thể đạt được kết quả tốt nếu NTD không hiểu biết về luật. Đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho biết, cả nước mới chỉ có 2,5% số NTD biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ NTD. Vì thế Hội khuyến nghị, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người cùng am hiểu và thực hiện. Việc am hiểu pháp luật cũng chính là cơ sở tạo động lực cho NTD chủ động khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm, chứ không lựa chọn giải pháp “im lặng” như nhiều người đã và vẫn đang làm.
QUỲNH ANH