Giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo phải từ hai phía

(BKTO) - Ngành ngân hàng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, không để doanh nghiệp (DN) thủy sản, lúa gạo thiếu vốn. Thế nhưng, DN cũng phải chủ động trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cùng tháo gỡ khó khăn…

hoi-nghi-1.jpg
NHNN tổ chức Hội nghị để tiếp tục giải bài toán về vốn cho DN lĩnh vực lúa gạo, thủy sản. Ảnh: NHNN

Tín dụng ngành thủy sản, lúa gạo có mức tăng trưởng ấn tượng

Lúa gạo, thủy sản là một trong những lĩnh vực luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, DN, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

ba-ha-thu-giang.jpg
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang: Tín dụng đối với lúa gạo, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: NHNN

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ DN lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết: Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022.

Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc.

Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

“Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung” - bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi vay vốn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Việc thúc đẩy tín dụng cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Phải tháo gỡ khó khăn về thị trường, tạm trữ… để DN yên tâm vay vốn. Ngân hàng không thể cho vay nếu DN cứ “xua tay” không cần vốn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, DN đang tồn kho hàng hóa, còn ngân hàng  đang "tồn kho" tiền. DN cần vay vốn, còn ngân hàng thì không cho vay được, điều đó làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của DN, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Để thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và Công ty Thức ăn chăn nuôi Putin cho rằng: Nhà nước cần có chính sách tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, các giải pháp về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh, khi đó, DN mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng.

Dẫn trường hợp DN rất cần vốn để thu mua tôm của dân nhưng không được cấp hạn mức tín dụng kịp thời, dẫn đến dân bị thương lái ép giá, đến khi DN vay được vốn quay lại mua tôm thì lại phải mua với giá cao vì trái vụ, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) đề nghị: Ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh tình trạng DN cần thì không vay được, khi muốn cho vay thì DN lại không cần nữa.

Đại diện Công ty Lộc Vân kiến nghị NHNN cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ thêm lãi suất cho vay để các DN mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bênh cạnh đó, cần linh hoạt cơ chế cho vay theo thời vụ phù hợp (chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp ngoài bất động sản như hợp đồng kinh tế).

Giúp doanh nghiệp tiếp cận lãi suất thấp hơn

Trước những kiến nghị của DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất, giúp DN tiếp cận lãi suất thấp hơn. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ là chủ động hạ lãi suất mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh giữ chân các khách hàng tốt, đảm bảo chiếm lĩnh thị trường cũng như mục tiêu tăng tín dụng năm nay. Tinh thần chung là tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới.

dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tinh thần chung là tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ DN. Ảnh: NHNN

Ngoài ra, NHNN cùng chính quyền địa phương, hiệp hội các DN, tập đoàn tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, thủ tục cho vay, nhất là cho vay có tính chất thời vụ gắn với nông nghiệp nông thôn.

Theo Phó Thống đốc, việc thúc đẩy các hoạt động cho vay phải từ cả phía ngân hàng và DN. Các TCTD tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ; cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Đối với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố, ngoài việc kết nối, báo cáo chính quyền địa phương, theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là đầu mối kết nối và hỗ trợ DN, nắm được những khó khăn thực tế của DN hiện nay để cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ DN, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.

Chia sẻ với những khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay nhưng Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các DN cũng phải tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền, đồng hành, chia sẻ, gắn bó, cởi mở, báo cáo trung thực tài chính với ngân hàng; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cùng tháo gỡ khó khăn…/.

Cùng chuyên mục
Giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo phải từ hai phía