Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những giải pháp mạnh

(BKTO) - Đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng giải ngân thấp trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2019 đã gây nhiều hệ lụy, tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế.




Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng qua rất thấp so với kế hoạch được giao. Ảnh: TTXVN

Giải ngân vốn đầu tư 9 thángđầu năm chỉ đạt hơn 49%

Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 của các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạt hơn 49% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có đến 31 Bộ, ngành và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; 17 Bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Đáng chú ý, nhiều Bộ, ngành có kế hoạch vốn giao lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Giao thông vận tải chỉ giải ngân được hơn 29% trong số 25.000 tỷ đồng được giao; vốn giao cho Bộ Y tế là hơn 6.600 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ đạt hơn 21%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số vốn giao hơn 14.600 tỷ đồng nhưng giải ngân cũng chỉ đạt hơn 46%... Trong khi đó, các Bộ, ngành, địa phương giải ngân đạt kết quả cao hầu hết đều có số kế hoạch vốn giao không lớn, chỉ trong khoảng 1.400 - 2.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, kết quả giải ngân 9 tháng qua không được cải thiện nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giải ngân chậm của các dự án đầu tư công đã được nhắc đến nhiều lần, từ việc xây dựng, phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn, cho đến các vướng mắc liên quan đến triển khai và thực hiện kế hoạch. Đặc biệt là từ khâu đầu tiên của quy trình: xây dựng kế hoạch vốn quá khả năng thực hiện của dự án. Một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện. Đến khi kết thúc năm, dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau.

Một nguyên nhân phổ biến nữa đó là việc chậm quyết toán các dự án hoàn thành, cụ thể: chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, ở các cấp huyện, xã vẫn còn tình trạng vi phạm thời gian quyết toán dự án hoàn thành, chậm lập báo cáo quyết toán dẫn đến chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán các dự án; chưa thực hiện nghiêm quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN. Trong khi đó, lực lượng của các cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán còn thiếu; thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán quá ngắn.

Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành để gửi cơ quan thẩm tra quyết toán thẩm tra theo quy định. Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tuân thủ về quy trình, trình tự trong đầu tư xây dựng cơ bản; chưa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, thi công trong thực hiện hợp đồng. Do đó, khi quyết toán phải bổ sung, điều chỉnh, gây mất nhiều thời gian. Công tác theo dõi, quản lý và lưu trữ hồ sơ còn thiếu khoa học dẫn đến một số dự án bị thất lạc hồ sơ, không khôi phục lại được...

Gắn trách nhiệm đối với ngườiđứng đầu về kết quả giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp, chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc. Cụ thể: Về công tác đăng ký nhu cầu vốn và xây dựng kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đề nghị cần xác định nhu cầu vốn năm cho các dự án theo khả năng thực tế của từng dự án (có lường trước các yếu tố rủi ro), tránh việc đăng ký nhu cầu quá cao so với khả năng thực hiện, giải ngân trong năm. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương phải ưu tiên triển khai để đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc.

Đối với vấn đề quyết toán dự án hoàn thành, từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn đầu tư được tiếp nhận và giải quyết đúng theo chế độ và thời gian quy định. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào cuối năm gây khó khăn cho công tác kiểm soát chi và giải ngân.

Bộ Tài chính cũng đã đề nghị cơ quan phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định; đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra vi phạm. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ; nâng cao năng lực, tuân thủ quản lý dự án đầu tư; chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, giải trình… trong giai đoạn thẩm tra quyết toán.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Cần xác định các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành T.Ư và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019. Đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, đăng ký thanh toán, xét duyệt hồ sơ thanh toán.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị: Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương với kết quả giải ngân; kiên quyết không bố trí kế hoạch vốn năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn NSNN đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.
         
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh: “Để giải ngân vốn đầu tư NSNN đúng theo kế hoạch thì các Bộ, ngành, địa phương phải đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phù hợp với quá trình giải ngân; thường xuyên nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện tiến độ công trình đến đâu giải ngân đến đó, tránh để dồn đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân”.
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những giải pháp mạnh