Giải ngân vốn đầu tư công: Kỳ vọng từ những chỉ đạo quyết liệt

(BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, nhỏ giọt là một phần nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn” cho tăng trưởng kinh tế trong hơn nửa đầu năm 2017. Để có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp nhằm tập trung quyết liệt cho việc giải ngân vốn đầu tư công.



Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ

Nhìn vào báo cáo của các Bộ vừa qua, dễ nhận thấy, kế hoạch phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay có sự tương phản. Tính đến hết tháng 6/2017, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đã giao kế hoạch là trên 303.075 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch; trong khi đó, theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (26,8%).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn cho biết, tính đến ngày 15/6 vừa qua, 13 Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt dưới 20%. Sau khi được đôn đốc, một số đơn vị đã giải ngân đạt trên 20%. Cụ thể, tính tới ngày 17/7, tỷ lệ giải ngân tại các đơn vị này như sau: Hội Cựu chiến binh Việt Nam (4,5%), Bộ Ngoại giao (5,1%), Thông tấn xã Việt Nam (8,5%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (13,3%), Bộ Y tế (16%), Bình Dương (20,9%), Tây Ninh (22,9%), Đà Nẵng (24,7%), TP. HCM (26%), Bình Phước (28,1%), Hà Nội (33,4%), Ủy ban Dân tộc (61%). Riêng Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính là 5,8%, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với số vốn đã được Thủ tướng quyết định giao thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan này đã đạt trên 56%.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do Luật Đầu tư công mới được triển khai thực hiện nên các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan còn lúng túng trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, hồ sơ thực hiện chưa đạt; quy trình thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán chưa hoàn thiện; công tác lập, quy hoạch còn hạn chế dẫn đến việc thay đổi quy hoạch thiết kế, làm dài thời gian thực hiện dự án; một số dự án chủ đầu tư không công khai quy hoạch cụ thể, làm sai với thiết kế được duyệt… Đây chính là những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ. Sự chậm trễ này không chỉ làm cản trở mục tiêu tăng trưởng mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác đối với nền kinh tế.

Tập trung thực hiệncác giải pháp

Trước những hạn chế và thách thức trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt. Tại buổi kiểm tra về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - đã yêu các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 13 đơn vị còn chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công phải có giải pháp quyết liệt. Nếu tháng 10 này, các đơn vị không giải ngân kịp thì Thủ tướng bắt buộc phải điều chuyển vốn.

Cùng với đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương lập Tổ công tác giúp lãnh đạo đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công theo định kỳ hằng tuần, hằng tháng, thực hiện giao ban báo cáo và giao cho cán bộ theo dõi từng dự án. Bên cạnh đó, các vấn đề về thể chế, thủ tục, điều kiện giải phóng mặt bằng… cần được xem xét lại nhằm gở bỏ những ách tắc gây chậm trễ cho việc giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 03/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Theo đó, Nghị quyết đã yêu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Đáng lưu ý, Chính phủ còn giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2017.

Trong đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính hằng tháng theo dõi tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các Bộ, ngành và địa phương; trong tháng 9/2017, có báo cáo đánh giá dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến hết ngày 31/01/2018, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định phương án điều chỉnh, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công năm 2017 đã được Quốc hội quyết định.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đây là lần thứ hai Chính phủ “kiến tạo, hành động” có những quyết sách kịp thời về giải ngân vốn đầu tư công. Giữa năm ngoái, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc vấn đề này; ngay sau sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP và công điện vào tháng 10 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhờ đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2016 đã nhanh hơn rất nhiều. Từ kết quả thực tế này, cộng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới đây, người dân có quyền kỳ vọng về một bức tranh giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 với những mảng màu tươi sáng.

NGỌC MAI
Theo Tuần báo số ra ngày 10.8.2017
Cùng chuyên mục
Giải ngân vốn đầu tư công: Kỳ vọng từ những chỉ đạo quyết liệt