Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ
Ông Toni Kristian Eliasz - Chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới - đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số tại Việt Nam. Điều này được minh chứng bởi Việt Nam có tỷ lệ người dùng internet đạt 78,6% và tỷ lệ người dùng thiết bị di động tới 79% - ở mức cao so với thế giới. Về tiếp cận kết nối băng rộng, Việt Nam cũng nằm ở top đầu. Đây là một nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ông Matthew Francois - Chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của McKinsey & Company - cũng nhận định: Việt Nam đang đi đúng hướng trong xây dựng nền kinh tế số để tăng mức đóng góp của kinh tế số vào GDP trong thập kỷ tới.
5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số ICT/GRDP: Bắc Ninh 56,83%, Thái Nguyên 42,92, Bắc Giang 42,13, Hải Phòng 29,48, Vĩnh Phúc 22,87.
Top 5 địa phương có doanh thu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cao nhất: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Top 5 địa phương có doanh thu hoạt động viễn thông cao nhất: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương, Hải Phòng.
Top 5 địa phương có doanh thu hoạt động lập trình máy vi tính, tư vấn và các hoạt động liên quan đến máy vi tính cao nhất: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Định.
Top 5 địa phương có doanh thu hoạt động dịch vụ thông tin cao nhất: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Trà Vinh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - cho biết, theo ước tính của Bộ, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30% như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là tăng khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cũng cho rằng, đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP là một mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá.
3 trụ cột phát triển kinh tế số
Ông Toni Kristian Eliasz khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực số, kỹ năng số vì đây là một động lực quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, đồng thời cần chú trọng tăng cường tỷ lệ hộ gia đình có máy tính tại nhà để thúc đẩy tri thức. Mục tiêu về kinh tế số Việt Nam đặt ra là rất tham vọng, do đó, Việt Nam cần đầu tư tương xứng để hiện thực hóa những mục tiêu này.
Theo ông Matthew Francois, một số lĩnh vực kinh tế số có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, đó là giao dịch thương mại điện tử trực tuyến ngày càng tăng góp phần thúc đẩy kinh tế số; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính.
Đây là cơ hội để Việt Nam áp dụng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy năng suất sản xuất, tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ICT - công nghệ thông tin và truyền thông, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Về phát triển dữ liệu số, các quốc gia có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó, việc xây dựng kiến trúc dữ liệu, quản trị dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số.
Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.
Phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó, cốt lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và còn lại 70-80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành.
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm ngành TTTT và các Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý triển khai trong thời gian tới.
Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam".
Cơ sở dữ liệu quốc gia và trí tuệ nhân tạo là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Các Bộ, ngành, địa phương cần tìm ra không gian phát triển mới ở các lĩnh vực này.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia./.